Cần những "cú hích" để phát huy lợi thế cạnh tranh về AI21/11/2024 - 08:53:00 Việt Nam ngày càng có động lực theo đuổi lợi thế cạnh tranh trong AI. Tuy nhiên, vẫn cần những cú hích mạnh mẽ từ chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong năm 2024, AI và các ứng dụng của AI đã và đang là chủ đề nóng nhất thu hút sự quan tâm của giới đầu tư công nghệ và sẽ tiếp tục là xu hướng trong thời gian tới. Theo Google, kinh tế số của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, có thể chiếm tới 30% GDP vào năm 2030 nhờ quá trình chuyển đổi số không ngừng. Đặc biệt, AI có thể đóng vai trò then chốt trong việc đưa Việt Nam hướng tới nền kinh tế có giá trị cao hơn, tạo ra lợi ích kinh tế ước tính khoảng 1.890 nghìn tỉ đồng (79,3 tỉ USD) cho các doanh nghiệp vào năm 2030. Nếu được khai thác hiệu quả, AI có thể giúp Việt nam đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nhanh chóng và trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, theo Báo cáo Cơ hội AI cho Việt Nam - Một số khuyến nghị (AI Opportunity Agenda for Vietnam) của Google để công nghệ AI phát huy vai trò quan trọng và được triển khai một cách hiệu quả, cần có sự tin tưởng và nhận thức rõ ràng về lợi ích từ phía người dân, đồng thời được Chính phủ tạo điều kiện và hỗ trợ cho việc áp dụng AI trên quy mô lớn và một cách kịp thời. Để khai thác và phát huy toàn bộ tiềm năng của AI, chuyên gia của Google khuyến nghị, Việt Nam cần chú trọng vào 3 vấn đề chính. Thứ nhất, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đổi mới sáng tạo - đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI, cải thiện và đảm bảo chất lượng hạ tầng kỹ thuật số và năng lực lập trình, tạo môi trường chính sách hỗ trợ để giảm thiểu các rào cản đối với đổi mới, sáng tạo AI. Thứ hai, xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng cho AI - đầu tư vào con người để đảm bảo họ có thể sử dụng và tận dụng lợi ích từ AI, từ học sinh, sinh viên đến người lao động, từ doanh nghiệp nhỏ đến các tập đoàn lớn. Thứ ba, thúc đẩy việc áp dụng và tiếp cận cho mọi người - khai thác AI trong cơ quan Chính phủ và tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để giải quyết các thách thức kinh tế và xã hội quan trọng, đồng thời đảm bảo lợi ích của AI được lan tỏa rộng rãi. Để AI có thể đi vào mọi ngóc ngách cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nâng cao hơn nữa hiệu quả làm việc, cũng như chất lượng cuộc sống mỗi người dân, vẫn cần những cú hích mạnh mẽ từ chính sách, những sản phẩm có tính ứng dụng cao. Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng dữ liệu và tính toán, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế với những doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển AI hàng đầu thế giới. Theo Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|