Nên quy định cụ thể chính sách ưu đãi
Theo Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hình sự, các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm minh; an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ được bảo đảm. Các chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội được thực hiện tốt. Công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, cũng như thi hành các biện pháp tư pháp ngày càng hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện công tác thi hành án hình sự nói chung và công tác thi hành án phạt tù nói riêng, trong đó công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo, việc tổ chức lao động cho phạm nhân vốn đang gặp nhiều khó khăn, lại càng khó khăn hơn. Trong khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn trong việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam. Do đó, vấn đề đặt ra là cần hợp tác với các tổ chức, cá nhân để mở rộng ngành nghề liên quan đến công nghệ, máy móc,… tạo cơ hội cho phạm nhân lao động, học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp tán thành với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Về chính sách miễn thuế thu nhập đối với tổ chức hợp tác với trại giam, Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo Nghị quyết. Theo đó, thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (điểm d khoản 3 Điều 1 dự thảo Nghị quyết).
Ủy ban Tư pháp cho rằng, tổ chức, cá nhân tham gia thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, nhằm chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong thực hiện các chính sách nhân đạo đối với đối tượng đặc thù. Hơn nữa, tổ chức tham gia thực hiện việc thí điểm phải đầu tư rất lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân; cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý, điều hành của cán bộ, chiến sỹ trại giam; cơ sở tổ chức sản xuất, dạy nghề... Bên cạnh đó, phần lớn phạm nhân có học vấn thấp, lại chưa có tay nghề hoặc có tay nghề không phù hợp, dẫn tới phát sinh thêm nhiều chi phí trong việc đào tạo nghề và hướng nghiệp... Do đó, để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện việc thí điểm và bảo đảm tính khả thi của việc thí điểm thì cần quy định cụ thể chính sách ưu đãi, trong đó có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là phù hợp.
Không cần giới hạn là các ngành nghề sản xuất tiêu thụ trong nước
ĐBQH Lê Nhật Thành (Hà Nội) đánh giá, việc tổ chức lao động và học tập phù hợp cho phạm nhân nhằm tạo cơ hội để họ tự cải tạo, trở thành người hữu ích cho xã hội, tạo thuận lợi, chuẩn bị cho việc tái hòa nhập cộng đồng của phạm nhân sau khi hoàn thành việc chấp hành án. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là cần thiết, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân; tăng khả năng thu hút, huy động nguồn lực từ nhiều tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam để tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.
Cũng theo đại biểu Lê Nhật Thành, tại điểm d, khoản 3, Điều 1 của dự thảo Nghị quyết quy định thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có thêm cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân hợp tác với trại giam để tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc và giúp chia sẻ trách nhiệm của Nhà nước với những đối tượng đặc thù trong xã hội, thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động này, giảm gánh nặng cho nhà nước.
Về tổ chức hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, theo ĐBQH Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc), tại khoản 1, Điều 1 dự thảo Nghị quyết đã xác định đối tượng để trại giam hợp tác gồm có cả tổ chức và cá nhân. Tinh thần chung của Nghị quyết nhằm thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện việc thí điểm và bảo đảm tính khả thi của việc thí điểm. Dự thảo Nghị quyết quy định các chính sách ưu đãi, trong đó có chính sách miễn thuế thu nhập nhưng tại điểm d khoản 3 Điều 1 về miễn thuế thu nhập lại chỉ quy định miễn thuế thu nhập đối với tổ chức. “Do đó, để tạo sự công bằng với chính sách ưu đãi theo tinh thần của Nghị quyết, ban soạn thảo cần bổ sung điểm d khoản 3 Điều 1 theo hướng việc miễn thuế thu nhập đối với cả tổ chức và cá nhân hợp tác với trại giam”, đại biểu kiến nghị.
Về ngành nghề tổ chức hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu Lê Tất Hiếu nêu rõ, tại điểm e, khoản 3, điều 1 dự thảo Nghị quyết quy định là ngành nghề pháp luật không cấm, tập trung vào các ngành nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy, việc áp dụng thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phù hợp với định hướng cải cách tư pháp và đặc biệt là không trái với quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do vậy, đại biểu đề xuất, Nghị quyết không cần giới hạn là các ngành nghề sản xuất tiêu thụ trong nước mà có thể mở rộng sang cả lĩnh vực sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Nội dung này nên để cho trại giam tìm kiếm những ngành nghề phù hợp, thuận tiện tại địa bàn đóng quân, trong đó có thể hợp tác với cả các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu.