Tại Hội nghị Trung ương 3, khóa XIII vừa qua, Trung ương đã nghe và thảo luận kỹ về báo cáo tình hình dịch Covid-19 và công tác phòng chống dịch ở Việt Nam.
Tại Hội nghị báo cáo viên trung ương tháng 7/2021 tổ chức ngày 15/7, ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương cho biết, báo cáo tại Hội nghị Trung ương 3 cho thấy, công tác phòng chống dịch Covid- 19 ở Việt Nam tính đến nay đã trải qua 4 đợt dịch. Đợt dịch lần thứ 4 này diễn ra trên quy mô lớn, đa nguồn lây, do biến chủng Delta lây lan nhanh, nguy hiểm, “đánh thẳng” vào các khu công nghiệp lớn và các thành phố là động lực kinh tế của đất nước…
Tuy nhiên, đến nay cả hệ thống chính trị đã và đang rất nỗ lực trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt trong đợt dịch lần thứ 4, các cấp, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình mới, diễn biến mới và phù hợp với từng địa bàn. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có cách làm sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả, có sự phối hợp hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Các địa phương đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của Bộ Y tế, xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống dịch, từng bước siết chặt công tác phòng chống dịch ở các khu công nghiệp và nơi lưu trú, sinh hoạt của công nhân.
Theo ông Lê Hải Bình, có dư luận cả trong và ngoài nước nói rằng, chúng ta đang có biểu hiện hoang mang. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và cá nhân Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đến nay vẫn là một trong những quốc gia có kết quả phòng chống dịch tốt trên thế giới.
Quan điểm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là phải rất cẩn trọng, không lơ là, chủ quan nhưng cũng phải định vị rõ ràng, chúng ta đang ở đâu để không dẫn đến hoang mang, hoảng sợ. Cụ thể, theo con số của quốc tế đưa ra, Việt Nam hiện vẫn là một trong 10 nước có số ca mắc, ca tử vong thấp nhất trên thế giới tính trên 1 triệu dân.
Báo cáo của Chính phủ tại Hội nghị Trung ương 3 cũng thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta vẫn còn những tồn tại hạn chế trong công tác chống dịch ở lần bùng phát thứ 4. Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, chưa lường hết mức độ nguy hiểm và tốc độ lây lan của biến chủng; một bộ phận chưa thực hiện nghiêm quy định về giãn cách, cách ly, khoanh vùng dập dịch. Việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ ở một số địa phương chưa triệt để, có tình trạng lúng túng, e ngại trong mua bán trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm; quản lý người nhập cảnh, lưu trú bất hợp pháp còn sơ hở, việc quản lý cách ly tập trung, bàn giao người sau cách ly về địa phương ở một số nơi còn thiếu chặt chẽ, thậm chí buông lỏng; công tác phòng chống dịch ở một số cơ sở y tế, nhất là việc xét nghiệm, quản lý bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chưa nghiêm...
Một trong những bài học Chính phủ đưa ra tại Hội nghị Trung ương 3 đó là kiên định các chủ trương, định hướng, giải pháp lớn có tính chiến lược nhưng đồng thời linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để đáp ứng với những diễn biến mới của dịch. Tinh thần là chủ động tiến công, thực hiện nghiêm giải pháp 5K + vaccine trong điều kiện tiêm vaccine có tiến trình cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng.
Về vaccine phòng chống Covid-19, ông Lê Hải Bình cho biết, có một số bài báo ở nước ngoài nhận định, Việt Nam chậm trễ trong công tác vaccine; thậm chí một số bài báo quốc tế, chuyên gia đánh giá khá nặng nề dẫn tới có dư luận trong một bộ phận trong nước.
Ngược lại với những phản ánh của dư luận ở ngoài nước, theo ông Lê Hải Bình, thực tế, vấn đề vaccine được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm từ đầu quá trình phòng chống dịch. Đầu năm 2020, nhận thức được vai trò quyết định, lâu dài, chiến lược của vaccine trong phòng chống dịch, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vaccine, vừa chú trọng mua nhập khẩu vaccine, vừa nhận chuyển giao công nghệ và vừa nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước. Đến giữa năm 2020, đã chủ động tiếp cận, đàm phán với các nhà sản xuất ngay từ giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng. Vì tiếp cận sớm như vậy nên chúng ta mới có được sớm các lô vaccine thời gian qua. Cho đến nay, chúng ta đã có được những cam kết viện trợ, ký hợp đồng cung ứng trong năm 2021 là 105 triệu liều vaccine, hiện đang đàm phán khoảng 45 triệu liều, sẽ tiếp tục tìm kiếm, đàm phán thêm.
Về vaccine sản xuất trong nước, Việt Nam hiện là một trong số ít nước có 2 loại vaccine cùng được thử nghiệm lâm sàng, là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối 2021, sẽ đạt 70-75% người dân được tiêm, hướng đến đầu 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Trong quý 3 này, trong trạng thái còn khan hiếm vaccine, sẽ ưu tiên tiêm cho các đối tượng ở tuyến đầu chống dịch, người lao động trực tiếp ở các khu công nghiệp, các địa phương trọng điểm, các "đầu tàu" kinh tế để đảm bảo không "đứt gãy" hoạt động kinh tế.
Trong câu chuyện về vaccine, ông Lê Hải Bình cũng phê phán một số biểu hiện kỳ thị lệch lạc đối với một số vaccine. Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh, cơ chế Covax toàn cầu đã phê chuẩn một số loại vaccine như AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm, Pfizer, Moderna. Chính phủ đã phê duyệt cho nhập về là phải trên cơ sở loại vaccine đó đã được công nhận của WHO, thậm chí đã theo dõi, nghiên cứu, sử dụng vaccine này trên phạm vi toàn cầu. Quan điểm của ta là phải dựa vào quốc tế, WHO công nhận, Covax công nhận và chúng ta cũng nhận vaccine về theo sự phân bổ của Covax, nên không có chuyện phân bổ Pfizer hay AstraZeneca thì nhận, loại khác thì không nhận.
Về mục tiêu trong thời gian tới, ông Lê Hải Bình cho biết, Trung ương thống nhất chúng ta vẫn kiên định mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, đi đôi với công tác phòng chống dịch Covid 19. Hạn chế mức lây lan dịch bệnh để tránh phải phong tỏa toàn quốc. Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định 5K và đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine cho toàn dân. Thống nhất sự lãnh đạo xuyên suốt, đảm bảo đời sống cho nhân dân, không gây xáo trộn trên mức cần thiết, tiếp cận nhanh các nguồn vaccine…/.