Những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, quy mô vốn huy động liên tục tăng lên qua các năm. Một trong những nguyên nhân chính tạo lên sức hút của trái phiếu doanh nghiệp đó là lãi suất do doanh nghiệp phát hành trái phiếu đưa ra luôn ở mức cao. Cụ thể, theo tính toán, trên thị trường tài chính, hiện bình quân lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (trừ trái phiếu ngân hàng) thường ở mức khoảng 9,9%/năm; riêng lĩnh vực bất động sản, lãi suất trái phiếu có thể dao động từ 9,5%-11%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn dài trên 12 tháng khoảng 5,5% - 6,5%/năm. Trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì mức lợi nhuận này đã khiến cho số người lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp để đầu tư ngày càng nhiều.

Các chuyên gia khuyến caó nhà đầu tư cần tỉnh táo trước những lời chào mời hấp dẫn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh minh họa/TL).

Tuy nhiên, có một thực tế mà các nhà đầu tư nên biết, đó là thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn có không ít sản phẩm “trái phiếu 3 không” (không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm). Một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng huy động vốn với khối lượng lớn, lãi suất cao, phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc chất lượng tài sản bảo đảm kém. Chất lượng tài sản bảo đảm của trái phiếu hạn chế (chủ yếu là dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản). Như vậy, sẽ tiềm ẩn rất nhiều gặp rủi ro đối với nhà đầu tư nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Khi đó, doanh nghiệp sẽ khó có thể trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp và không chứng minh được hiệu quả việc sử dụng vốn sẽ không thể vay được tiền của ngân hàng. Để đối phó với tình trạng này, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhằm thu hút tiền đầu tư của người dân.

Xét về bản chất, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là việc huy động vốn, trong đó doanh nghiệp “ghi nợ” nhà đầu tư, bao gồm nợ gốc và nợ lãi trái phiếu. Do vậy, chất lượng tài sản bảo đảm tỷ lệ nghịch với tỷ lệ rủi ro của nhà đầu tư. Nói cách khác, chất lượng tài sản bảo đảm của đơn vị phát hành trái phiếu càng thấp thì tỷ lệ rủi ro đối với nhà đầu tư càng cao. 

Trước dấu hiệu tăng trưởng “nóng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước, nhiều chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ hay những doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Mới đây nhất, đầu tháng 12/2021 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng có liên quan tới doanh nghiệp bất động sản.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường thời gian qua để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích; bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành...

Thực tế cho thấy, nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp được quản lý tốt thì sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện huy động vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, trái phiếu doanh nghiệp cũng trở thành một hướng đầu tư hiệu quả, an toàn, bên cạnh việc gửi tiền tiết kiệm.

Thiết nghĩ, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát, bổ sung, hoàn thiện những quy định pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu thì phải có tài sản bảo đảm, phải có xếp hạng mức độ uy tín; cơ quan chức năng cũng cần có quy trình khoa học, chặt chẽ để kiểm soát, giám sát mục đích, hiệu quả sử dụng nguồn vốn trái phiếu do doanh nghiệp huy động.

Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp. Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, các nhà đầu tư cần tỉnh táo trước những lời chào mời hấp dẫn, những mức lãi suất cao bất thường trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất cao sẽ luôn đi kèm với nguy cơ rủi ro cao. Vì vậy, nhà đầu tư không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành; mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản bảo đảm…