Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội sáng 30/10 (ảnh: VPQH cung cấp). |
Theo đó, ngay sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo và xem videoclip của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về các nội dung nêu trên.
Sự phối hợp của các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ
Bày tỏ đồng tình với nội dung báo cáo của Đoàn Giám sát cũng như dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2023, Quốc hội đã ưu tiên nhiều nguồn lực cho việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều nỗ lực triển khai các Chương trình này.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp). |
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến tiến độ triển khai và giải ngân vốn còn chậm. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khung cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ, bộ máy chỉ đạo, điều hành ở các cấp còn chưa có sự thống nhất, chưa phát huy hết trách nhiệm của các chủ thể, các địa phương còn bị động, lúng túng, thiếu quyết liệt, còn tâm lý sợ sai trong triển khai thực hiện…
Đại biểu đề nghị nâng cao trách nhiệm trong việc rà soát, kịp thời tham mưu ban hành sửa đổi các cơ chế chính sách chưa phù hợp theo hướng phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tránh chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương, vai trò của các cơ quan chủ quản trong việc tham mưu, phối hợp, điều phối, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đảm bảo trả lời các thắc mắc, kiến nghị của người dân một cách kịp thời, rõ ràng.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần thống nhất hệ thống văn phòng điều phối chung của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao chất lượng hiệu quả phối hợp, lồng ghép trong thực hiện, triển khai…
Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan
Phát biểu ý kiến góp ý tại phiên họp, đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian qua còn có nhiều nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được như kỳ vọng.
Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp). |
Theo đại biểu, đáng chú ý là nhiều dự án chậm hoặc chưa được giải ngân. Đại biểu cho rằng, việc chậm giải ngân không chỉ gây lãng phí về tiền bạc mà quan trọng là các mục tiêu, dự án tốt đẹp dành cho người nghèo của Đảng và Nhà nước chưa kịp thời đến với người nghèo.
Nguyên nhân của vấn đề này có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Theo đại biểu, nguyên nhân chính là do việc ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện quan trọng chưa được kịp thời; vai trò của Ban chỉ đạo chung cho ba chương trình mục tiêu hoạt động chưa thực sự hiệu quả; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong giải quyết vướng mắc phát sinh chưa chủ động, kịp thời; cán bộ làm công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chủ yếu là kiêm nhiệm, còn hạn chế về năng lực tham mưu; tình trạng đùn đẩy để tránh trách nhiệm của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc liên quan đến thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có giảm nghèo bền vững…
Đại biểu nhấn mạnh, đây là những vấn đề tồn tại cần phải đánh giá, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng như các địa phương cần có giải pháp thực hiện hiệu quả khắc phục trong thời gian tới…
Còn hiện tượng không muốn thoát nghèo
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ sự đồng tình cao với các nội dung quan trọng như cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách được phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia 2023 chưa giải ngân hết để tiếp tục thực hiện đến ngày 31/12/2024, đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm khoán kinh phí 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo địa bàn cấp huyện, cân đối bố trí đủ ngân sách theo các Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp). |
Phản ánh thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, đại biểu cho rằng, còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 vì các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới, không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức.
Đại biểu cho rằng đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm. Bất cập này đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5, theo đó, một số bộ, ngành chưa kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế tác động của các quyết định công nhận xã thôn khu vực I, II, III vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 đã làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của các đối tượng đang sinh sống, học tập, công tác tại các thôn xã đặc biệt khó khăn nay trở thành thôn, xã nông thôn mới. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể, khả thi, thiết thực để tháo gỡ, khắc phục vấn đề này.
Vẫn còn nặng thành tích
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu Quốc gia là một chủ trương đúng đắn, quan trọng được cử tri, nhân dân hưởng ứng, tán đồng. Việc kiện toàn Ban chỉ đạo chung là cột mốc quan trọng trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất từ trung ương tới địa phương, đạt được nhiều kết quả thiết thực, có nhiều cách làm phù hợp với từng địa phương.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp). |
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, nhiều địa phương vẫn chưa ban hành các tiêu chí phù hợp; giải ngân chậm, chưa thực sự bền vững và còn nặng tính thành tích. Bên cạnh đó cần quan tâm tới các thiết chế văn hóa; khắc phục tình trạng tự mãn khi đã hoàn thành nông thôn mới không duy trì các tiêu chí, nâng cao đời sống người dân.
Về chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu cho rằng sự phối hợp giữa trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ; thực trạng giải ngân vốn đạt thấp, dưới 50% làm ảnh hưởng tới vấn đề an ninh xã hội. Đại biểu đề nghị khắc phục các tình trạng này để góp phần giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo…