Cảnh giác là chưa đủ17/02/2023 - 08:50:00 Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) khẳng định, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao sẽ còn tiếp tục gia tăng với nhiều chiêu thức, mánh khóe mới.
PV: Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tấn công mạng thời gian qua liên tục gia tăng với nhiều thủ đoạn mới, số lượng nạn nhân sập bẫy cũng nhiều hơn. Đâu là nguyên nhân, thưa ông? Ông Ngô Minh Hiếu: Trên thực tế, tình trạng này đã diễn ra suốt một thời gian dài, tuy nhiên các chiêu thức lại liên tục thay đổi không ngừng dẫn tới việc nhiều nạn nhân sập bẫy. Các hình thức lừa đảo chủ yếu bao gồm lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân và lừa đảo tài chính. Trong đó, việc đánh cắp thông tin cá nhân cũng là để phục vụ cho mục đích lên kịch bản lừa đảo tài chính. Các đối tượng đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham của nạn nhân để lừa đảo. Sự bùng nổ của các thiết bị công nghệ cao cũng là nguyên nhân khiến tình trạng này nở rộ trong thời gian dài. Các thiết bị này được nâng cấp không ngừng, lại được buôn bán dễ dàng, cho nên các đối tượng tội phạm công nghệ cao lợi dụng để biến tấu các chiêu thức lừa đảo mới, liên tục thay đổi. Bên cạnh đó, việc mua bán thông tin cá nhân trên các trang web hacker rất dễ dàng cũng là một trong những nguyên nhân. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo (AI), nhất là ứng dụng trên smartphone sẽ là một mối đe dọa an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội, do người dùng cấp quá nhiều quyền truy cập, cũng như cung cấp thông tin cá nhân trên mạng xã hội, ứng dụng,... dẫn đến tình trạng bị chiếm đoạt, lợi dụng vi phạm pháp luật. Trong thời gian tới, việc sử dụng công nghệ Deepfake (giả lập sâu) trong AI để làm giả video call nhằm mục đích lừa đảo sẽ còn tăng lên đáng kể với nhiều chiêu thức tinh vi hơn. Đặc biệt, mối đe dọa đến từ các thiết bị IoT (là các thiết bị có khả năng kết nối internet, có thể thu thập và trao đổi dữ liệu cho nhau) vẫn là vấn đề lớn, hiện chưa có giải pháp tổng thể đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước cho các thiết bị IoT, do đó nhiều vụ lộ, lọt thông tin cá nhân nhạy cảm, riêng tư,... đã bị phát tán trên mạng. Vậy, cần giải pháp nào để cảnh tỉnh người dân thời gian tới, thưa ông? - Các công cụ và giải pháp công nghệ hiện nay đều có sẵn. Tuy nhiên, tất cả chỉ là những biện pháp “theo sau” khi những chiêu thức mới lần lượt được phát hiện. Do đó, người dân chỉ cảnh giác thôi là chưa đủ. Cần tỉnh táo trước những tin nhắn, cuộc gọi, trang web và đường links lạ. Bên cạnh đó, cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tránh rơi vào bẫy lừa đảo. Khi gặp bất cứ những trường hợp nghi ngờ nào, cần “chậm lại” để xác minh thông tin, đồng thời không cung cấp bất cứ thông tin nhạy cảm nào liên quan đến danh tính cá nhân như CCCD, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội,… Bên cạnh đó, người dùng cũng cần nâng cao các tính năng bảo mật trên không gian mạng như sử dụng bảo mật 2 bước, xác minh bằng khuôn mặt, vân tay,… hoặc sử dụng thêm phần mềm từ bên thứ 3 để tăng tính bảo mật cho các tài khoản và thiết bị cá nhân. Ngoài ra, các biện pháp về truyền thông cũng được đẩy mạnh trong thời gian sắp tới để thông tin đến được với nhiều người dân hơn, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác trước những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Khi phát hiện các trang web có dấu hiệu lừa đảo, cần lập tức kiểm tra thông tin và báo cáo. Người dùng có thể truy cập trang web: “Tinnhiemang.vn” hay “Chongluadao.vn” để cập nhật trang web và kiểm tra thông tin về độ tin cậy của trang web đó. Ngoài ra, người dùng nên truy cập website “Dauhieuluadao.com” (là trang web của Trung tâm Giám sát an toàn mạng quốc gia và Google hợp tác) để rèn luyện kỹ năng tự phòng vệ trước những chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng. Trân trọng cảm ơn ông! Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|