Ngày 8/6, Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, tội phạm công nghệ cao dựa vào mã QR hoặc thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có thể biết rõ thông tin cá nhân của công dân, trong khi người dân lại không biết mình bị lợi dụng.
Trước tình hình đó, Công an thành phố Hà Nội đã triển khai một số nội dung phòng ngừa, phân công cụ thể đến từng đơn vị chức năng trực thuộc Công an thành phố.
Công an thành phố Hà Nội giao các đơn vị chức năng thực hiện một số nhiệm vụ như: Đẩy mạnh tuyên truyền để quần chúng nhân dân biết về phương thức, thủ đoạn thu thập thông tin của đối tượng; tăng cường hướng dẫn kiểm tra công tác quản lý nhân hộ khẩu; xác minh, làm rõ những trường hợp có biểu hiện vi phạm pháp luật trong mua bán, sử dụng trái pháp luật thông tin cá nhân.
Công an quận, huyện, thị xã tập trung làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ giữ liệu, thông tin, tài khoản cá nhân, không chia sẻ hình ảnh căn cước công dân/chứng minh nhân dân trên mạng xã hội, để phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; tiếp tục phát động phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương, để đấu tranh, triệt phá.
Cũng trong ngày, Công an thành phố Hà Nội cho biết thêm, Công an quận Cầu Giấy đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền với thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo đóng băng tài khoản.
Cụ thể, ngày 5/5, anh Đ (sinh năm 2001, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nam Định) nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng thông báo tài khoản của anh bị đóng băng.
Để mở lại tài khoản, anh Đ phải đóng tiền vào một tài khoản khác. Sau hai lần đóng, với số tiền 35 triệu đồng, anh Đ mới biết mình bị lừa và đến Công an phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy (Hà Nội) trình báo.
Trước thực trạng đó, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo như trên. Người dân tuyệt đối không chuyển tiền, đưa tiền mặt cũng như cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có biểu hiện nghi ngờ cũng như có các dấu hiệu lừa đảo.
Đặc biệt, khi người dân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân cần liên hệ với Tổng đài chăm sóc khách hàng của Ngân hàng để kiểm tra, xác thực hoặc liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết, tránh bị các đối tượng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản./.