Donald Trump ít nói về chính trị thế giới sau khi đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 ngoại trừ một câu ngắn trong phát biểu chiến thắng: “Tôi sẽ ngừng các cuộc chiến tranh”.
Câu nói ngắn đó có thể làm hài lòng một số đối thủ dài hạn của Mỹ như Nga, nhưng lại làm lo lắng nhiều bạn bè của Mỹ.
Tại Ukraine, mối lo ngại về việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có lẽ là cao nhất. Tại đây, người ta sợ rằng ông Trump có kế hoạch ép Kiev thực hiện một thỏa thuận hòa bình bằng cách giảm viện trợ quân sự của Mỹ. Điện Kremlin của Tổng thống Nga Putin chỉ mong chờ đúng như vậy.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã bước đầu cảm nhận hương vị của một trật tự thế giới mới khi ông Trump đưa tỷ phú Elon Musk cùng tham gia một cuộc điện đàm hậu bầu cử.
Tại Israel, có nhiều bài báo nhận định rằng chính trị gia Trump đã bắn tín hiệu cho Thủ tướng Netanyahu bằng câu nói ngắn ở trên với hàm ý, ông Netanyahu chỉ còn 10 tuần nữa (cho đến ngày ông Trump nhậm chức - 20/1/2025) để các binh sĩ Ukraine kết thúc chiến dịch quân sự của họ tại Gaza và Lebanon.
Một số nhà lãnh đạo khác có thể lại phân vân về định nghĩa “chiến tranh” của ông Trump. Đối với Iran, chính ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình đã đẩy Trung Đông tới tình trạng hỗn loạn hiện nay bằng việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và ra lệnh ám sát viên tướng hàng đầu của nước này. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, “chiến tranh” sẽ là “chiến tranh thương mại”. Họ có thể đang gồng mình đón chờ một cuộc chiến thương mại chưa từng có tiền lệ sau khi ông Trump hứa áp thuế quan 60% lên tất cả hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Đối với những nước như Canada, “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” có thể gặp phải những thách thức mới. Trong nhiệm kỳ đầu của mình, Tổng thống Trump đã đưa Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris về đấu tranh chống biến đổi khí hậu, đồng thời cũng đe dọa rút Mỹ khỏi khối liên minh quân sự NATO.
Các khuôn mẫu về luật pháp dường như không có nhiều sức ràng buộc đối với ông Trump - vị tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án khi đang đương chức. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cũng công nhận việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan, đồng thời ông hạ lệnh ám sát tướng Soleimani của Iran vào năm 2020 - vụ tấn công này về sau bị một báo cáo viên chuyên trách của Liên Hợp Quốc xác định là bất hợp pháp.
Tuy nhiên nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump (bắt đầu từ năm 2017) tương đối bình yên trước khi nổ ra các trận “bão chính trị, quân sự” lớn như xung đột Ukraine (bắt đầu vào đầu năm 2022 dưới thời Tổng thống Mỹ Biden) hay xung đột ở Gaza (khởi phát vào năm 2023).
Trong diễn văn chiến thắng hôm 6/11, ông Trump khẳng định: “Trong 4 năm, chúng ta đã không có cuộc chiến tranh nào cả, ngoại trừ việc đánh bại tổ chức khủng bố Hồi giáo IS”… Tôi sẽ không khởi động cuộc chiến nào cả, tôi sẽ ngừng các cuộc chiến tranh”.
Nỗi bất an tại Đông Á và EU
Những đồng minh khác của Mỹ thì ít chắc chắn hơn về những gì ở phía trước. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, người ta e sợ yếu tố Triều Tiên có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực để thu hút sự chú ý của chính quyền ông Trump.
Việc ông Trump không ưa chi tiền cho hoạt động phòng thủ của những nước khác khiến sự kiện ông đắc cử không được hoan nghênh lắm tại hầu hết trong số 31 nước thành viên của khối quân sự NATO.
Trước đó, khi vận động tranh cử trong năm 2024, ông Trump thậm chí đã tuyên bố rằng ông sẽ khuyến khích Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” với bất cứ nước NATO nào không đáp ứng yêu cầu chi ít nhất 2% GDP của nước đó cho quốc phòng. Canada nằm trong số những nước NATO không đáp ứng được đòi hỏi này.
Khi chiến thắng của ứng cử viên Trump đã trở nên rõ ràng dù hoạt động kiểm phiếu vẫn còn, Marko Mihkelson - chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Estonia, đã viết trên mạng X như sau: “Chào buổi sáng, châu Âu ơi! Chúng ta hãy sẵn sàng chiến đầu cho bản thân và bạn bè của mình”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski viết vài tiếng đồng hồ sau đó: “Châu Âu cần khẩn cấp gánh thêm trách nhiệm về an ninh của chính mình. Những trận gió của lịch sử đang thổi mạnh hơn”.
Những cơn cuồng phong đang quất mạnh nhất vào Kiev, nơi mà chỉ vài tiếng và vài ngày sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, tiếng còi báo động phòng không vang lên nhiều hơn để cảnh báo về những cuộc tập kích của Nga. Lực lượng vũ trang Nga tiếp tục tiến công mãnh liệt ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Giới chuyên gia dự báo chiến dịch tiến công của Nga sẽ tăng tốc trước ngày 20/1/2025 (khi ông Trump nhậm chức) bất chấp mùa đông. Giới phân tích tin rằng Nga sẽ tranh thủ chiếm thêm nhiều lãnh thổ, tạo thế đã rồi thuận lợi cho đàm phán trong tương lai trước thời điểm lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump.
Phe hữu tại Israel vẫn đặt hy vọng vào ông Trump
Đội ngũ trợ lý đầu tiên của Tổng thống Trump gồm các nhân vật kỳ cựu về an ninh quốc gia và đối ngoại như James Mattis, H.R. McMaster và John Bolton - những người nỗ lực giữ cho hoạt động của ông Trump trong sự chừng mực. Tất cả những người này về sau đều mô tả “sếp” cũ của mình là không phù hợp cho vị trí tổng thống.
Tuy vậy tại Israel, người ta vẫn kỳ vọng nhiều vào nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump. Tại thành phố Tel Aviv, các tấm áp phích ăn mừng việc ông Trump trúng cử, đăng những dòng chữ như “Chúc mừng ngài Trump, hãy làm cho Israel vĩ đại!”. Phe hữu của Israel tin rằng ông Trump sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc chiến của Israel chống lại các tổ chức chiến binh Hồi giáo như Hamas và Hezbollah.
Hôm 6/11, một người dẫn chương trình trên kênh 12 của Israel hỏi phát ngôn viên của đảng Cộng hòa (Mỹ) Elizabeth Pipko rằng liệu cam kết của ông Trump về chấm dứt chiến tranh có nghĩa là Israel sẽ phải kết thúc sớm chiến dịch quân sự của họ ở Gaza và Lebanon hay không. Bà Pipko trả lời như sau: “Tôi cho rằng ông ấy kỳ vọng Israel kết thúc cuộc chiến của mình trong chiến thắng, 100%. Đó là cách ông ấy nói về chấm dứt chiến tranh”.
Trong khi đó, một phân tích của Viện nghiên cứu An ninh quốc gia thuộc Đại học Tel Aviv nhận xét rằng ông Trump kêu gọi chấm dứt chiến tranh mà không vạch ra bất cứ kế hoạch nào để đạt được điều đó ở Gaza và Lebanon. Viện này kết luận rằng ông Trump ít khả năng sẽ sử dụng viện trợ quân sự của Mỹ đề kiềm chế Israel.