Chi vài nghìn USD cho tour xem chim ở Việt Nam, khách nhà giàu không tiếc tiền12/10/2024 - 08:40:00 Tour đi xem chim (bird watching) là ví dụ tiêu biểu cho thấy khách du lịch sẵn sàng chi nhiều nghìn đô la cho trải nghiệm này. Đây cũng là kinh nghiệm để Việt Nam có thể thu hút được nhiều khách "nhà giàu".
Cảm xúc của du khách quyết định chất lượng sản phẩm 9 tháng năm 2024, Việt Nam đón 12,7 triệu khách quốc tế, tăng mạnh 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng trong số đó, có bao nhiêu là khách du lịch cao cấp, đến từ thị trường nào, mức chi tiêu có tăng so với trước thời điểm Covid-19 (năm 2019), làm thế nào để nhận diện và thu hút dòng khách có khả năng chi trả cao này? Đó là những vấn đề đặt ra tại hội thảo "Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam" do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 11/10. Trên thực tế, các công ty du lịch đang triển khai nhiều sản phẩm độc đáo, khác biệt, thu hút khách du lịch giàu có. Trong số đó, tour đi xem chim (bird watching) của công ty Wildtour là ví dụ tiêu biểu cho thấy khách sẵn sàng chi nhiều nghìn đô la cho trải nghiệm này. Giám đốc công ty, ông Nguyễn Hoài Bảo, cho hay, 45 triệu người ở Mỹ đi du lịch xem chim, họ chi tiêu khoảng 40 tỷ USD/năm (trong khi tổng thu ngành du lịch Việt Nam năm 2023 là 27 tỷ USD); châu Âu xấp xỉ 20 triệu người, với mức chi khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Con số này cũng đang gia tăng rất nhanh ở châu Á, đặc biệt là tại Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc),... Nếu so sánh về tiềm năng (số lượng loài chim) thì Việt Nam đứng thứ ba khu vực, thứ 15-16 thế giới, nhưng lại đi chậm so với các nước như Thái Lan, Malaysia đã phát triển 30-40 năm, châu Âu cả 100 năm, trong khi các công ty đầu tiên vào Việt Nam tổ chức tour xem chim là những năm 1990, gần như không quảng bá. Chưa kể, do thiếu hướng dẫn viên chuyên nghiệp, cơ sở hạ tầng vật chất tại các vườn quốc gia sơ sài,… cơ chế thủ tục như an ninh, giấy tờ phức tạp nên các doanh nghiệp không dám làm tour (vì sợ đến nơi không cho vào), cũng như khách tiếp cận rất khó khăn; chưa chú trọng đến bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là săn bẫy chim… nên loại hình du lịch này chưa phát triển mạnh, chưa thu hút được đông đảo du khách. Một khía cạnh khác là ẩm thực. Tại hội thảo, nghệ nhân Phạm Ánh Tuyết cho rằng chúng ta chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của ẩm thực trong du lịch, trong khi các nước làm rất tốt, chẳng hạn như Hàn Quốc. “Ẩm thực phục vụ khách cao cấp, yếu tố quan trọng nhất là cá nhân hóa, tiêu chuẩn phục vụ và chế biến an toàn để khi khách thưởng thức họ an tâm tận hưởng”, bà nói. Liên quan đến lĩnh vực ẩm thực, ông Liam Cordingly, kinh tế trưởng của Tổ chức Nghiên cứu kinh tế Oxford, dẫn khảo sát của tổ chức này cho thấy, du khách tiềm năng có xu hướng chọn các điểm đến cung cấp “trải nghiệm ẩm thực cao cấp” cao gấp 2,5 lần các điểm đến thông thường. Tại đây họ sẵn sàng chi trả thêm 250 USD/người/ngày. Theo Giám đốc Công ty du lịch Wildtour Nguyễn Hoài Bảo, khách du lịch cao cấp thường là những khách có thu nhập cao; tìm kiếm trải nghiệm độc đáo; yêu cầu dịch vụ cá nhân hoá; quan tâm đến sự bền vững; sẵn sàng chi trả cao cho sản phẩm chất lượng. Họ thường quan tâm đến những loại hình dịch vụ du lịch mang tính riêng biệt, điển hình như du lịch lặn biển, du lịch golf, du lịch MICE, du lịch tàu biển;… đôi khi là những loại hình du lịch mang tính cá nhân hoá như khám phá thiên nhiên hoang dã, thám hiểm hang động... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holding, một sản phẩm du lịch cao cấp, về bản chất là cuối cùng để lại ấn tượng gì cho khách: một chuyến đi đáng nhớ, một kỷ niệm sâu sắc khó quên, một sự bất ngờ và phong phú trong nhận thức,… quan trọng hơn rất nhiều là một khách sạn 5 sao hay 6 sao. “Cảm xúc của du khách quyết định chất lượng sản phẩm có cao cấp hay không”, ông Kỳ nhấn mạnh. Cần nhận diện khách cao cấp Ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dẫn số liệu năm 2019 cho thấy chi tiêu trung bình của khách quốc tế đến Việt Nam là hơn 132 USD/ngày, thấp hơn so với 180 USD tại Thái Lan. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2025 doanh thu toàn ngành đạt 77-80 tỷ USD nếu không có dịch Covid, đóng góp 12-14% GDP. Ông Trí cho rằng, để đạt được con số này cần tăng số lượng và nguồn thu từ khách quốc tế. Bà Ngô Thị Hương - Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Công ty CP Vinpearl, lưu ý để thu hút được khách du lịch cao cấp, cần “may đo” được sản phẩm theo từng tệp khách hàng, thúc đẩy khách hàng chi tiêu nhiều hơn. Đề xuất xây dựng những sản phẩm về chăm sóc sức khoẻ tinh thần, du lịch xanh, du lịch bền vững, bà Hương dẫn chứng, với mô hình du lịch xanh, golf là sản phẩm được du khách Hàn Quốc rất quan tâm. Họ thích các sân golf ở Việt Nam, thích không khí, điều kiện tự nhiên, ẩm thực Việt Nam,... sẵn sàng ở dài ngày để trải nghiệm và mang gia đình theo. Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong, sự phục hồi về lượng khách quốc tế của Việt Nam trong thời gian ngắn vừa qua có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, ông lưu ý không nên tuyệt đối hóa số lượng, mà quan trọng hơn con số, chỉ số là nâng cao chất lượng khách đến Việt Nam, như khách chi tiêu cao hơn, lưu trú dài hơn, phù hợp văn hóa truyền thống, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển theo. Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh, cho hay, Việt Nam xác định là điểm đến du lịch có chất lượng, ngành du lịch cũng xác định ưu tiên đón khách có khả năng chi trả cao, tiêu dùng nhiều. Để thu hút được khách du lịch cao cấp, vị Cục trưởng cho rằng trước hết cần tiến hành nghiên cứu thị trường, nhận diện và nắm bắt nhu cầu của khách du lịch cao cấp; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng ngành du lịch, chú trọng yếu tố độc đáo, nguyên bản, cá biệt, cá nhân hóa, sự tinh tế trong phương thức phục vụ, những trải nghiệm văn hóa hài hòa với tự nhiên, môi trường. Ngoài ra, cần hoàn thiện các quy trình cung cấp dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng, tạo trải nghiệm trọn vẹn cho khách; xúc tiến quảng bá, trong đó tập trung định vị là điểm đến du lịch cao cấp. Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|