Thế nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng hiện dịch bệnh trải đều các tỉnh thành trên cả nước. Do đó sẽ rất khó điều động số lượng lớn y bác sĩ từ nơi này đến nơi khác như trước đây.
Không thể "chuyển quân" ồ ạt
Ông Đào Xuân Cơ - phó giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Bạch Mai - cho biết 32 y bác sĩ bệnh viện này đang hỗ trợ 3 bệnh viện tầng 3 của An Giang, đồng thời tổ chức thành nhóm chuyên gia hỗ trợ tuyến huyện của tỉnh An Giang.
Bệnh viện Việt Đức và Phụ sản trung ương cũng đang hỗ trợ Bà Rịa - Vũng Tàu ở Trung tâm hồi sức bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện E hỗ trợ tỉnh Tây Ninh.
Ngoài ra hơn 300 y bác sĩ, học viên của Học viện Quân y đã đi hỗ trợ TP.HCM từ hơn 1 tuần trước...
Và ngay sau đề nghị của TP.HCM, hôm qua 17-12 Bộ Y tế đã có cuộc họp bàn nhằm chuẩn bị để có thể điều động nhân lực chi viện. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức có trách nhiệm của Bộ Y tế chia sẻ hiện có những khó khăn khiến không thể có những cuộc điều động, chi viện y bác sĩ ồ ạt như cao điểm tháng 8, 9 vừa qua.
"Thời điểm đỉnh dịch tại TP.HCM và khu vực lân cận thì số mắc mới ở Hà Nội dưới 100 ca/ngày. Tuy nhiên hiện Hà Nội cũng đang rất nóng, số bệnh nhân nặng gia tăng, nếu điều động lượng nhân lực lớn chi viện phía Nam thì lo Hà Nội sẽ chống chếnh" - vị này lo lắng.
Như tại Bệnh viện Bạch Mai hiện mỗi ngày tiếp nhận hơn 2.000 người khám ngoại trú, các khoa nội trú đang tiếp nhận bệnh nhân ở mức 70% quy mô, có khoa đã quá tải. Trong khi đó, Bạch Mai đang có 2 đoàn ở An Giang, 1 đoàn ở Đắk Lắk.
Sắp tới khi số bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương gia tăng thêm, Bạch Mai lại phải chi viện cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đồng thời dành khoảng 40% Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho bệnh nhân COVID-19 nặng khi cần thiết.
"Trong tình huống này, Bạch Mai chỉ có thể điều động các nhóm chuyên gia. Còn việc điều 500 người để quản lý, điều hành, điều trị hằng ngày hẳn một trung tâm hồi sức bệnh nhân COVID-19 như Bạch Mai đã làm hồi tháng 8, 9, 10 tại TP.HCM là rất khó khăn" - một chuyên gia của Bộ Y tế nhận định.
Tăng cường khám chữa bệnh từ xa
Ngay từ khi dịch nóng lên ở Cần Thơ hồi tháng 11, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, mạng lưới có nòng cốt ban đầu là Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, đã tổ chức một "chi nhánh" đồng hành tại Cần Thơ với 300 y bác sĩ. Hoạt động của mạng lưới này gói gọn trong một nguyên tắc: chăm sóc, theo dõi, quản lý bệnh nhân COVID-19 chặt chẽ nhưng... từ xa.
Mỗi thầy thuốc đồng hành sẽ quản lý một nhóm F0. Bác sĩ sẽ nhận thông tin hằng ngày về tình trạng bệnh, tư vấn điều trị, chuyển tuyến cho bệnh nhân khi cần thiết.
Đây là hình thức hỗ trợ quản lý điều trị F0 có hiệu quả hiện nay, nhất là trong tình trạng gần 3/4 F0 đang điều trị, theo dõi tại nhà. Tại Hà Nội, nhóm của bác sĩ quân y Hoàng Thanh Tuấn, Nguyễn Huy Hoàng cùng nhiều bác sĩ đã lập "nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà" trên nền tảng Facebook từ 3 ngày trước để tư vấn, hỗ trợ F0 cả nước thông qua tư vấn từ xa.
Tháng 9, tháng 10 vừa qua, bác sĩ Tuấn đã có thời gian làm việc tại trạm y tế lưu động ở TP.HCM quản lý F0 điều trị tại nhà nên rất có kinh nghiệm.
Bác sĩ Tuấn chia sẻ: "Đa số F0 tôi theo dõi, điều trị trong 2 tuần trở lại đây ở Hà Nội đều nhẹ, chỉ 7 - 9 ngày là âm tính, hãy giữ sức khỏe, tinh thần tốt, ăn uống tốt là người bệnh mau khỏe lại thôi".
"Các bệnh viện trung ương khó có thể điều động lượng nhân lực lớn chi viện các vùng dịch nóng như trước đây, mà chỉ có thể điều động các nhóm chuyên gia. Do đó hình thức quản lý F0 online, bên cạnh kêu gọi sự vào cuộc của các y bác sĩ và cả hệ thống y tế tư nhân tham gia sẽ là lối ra cho đợt dịch này" - một chuyên gia trong ngành y tế hiến kế.
Vị chuyên gia cũng nói thêm: Tháng 7 đến tháng 10 vừa qua chúng ta đã kiềm chế, chặn được dịch khi tỉ lệ tiêm chủng còn thấp.
Hết tháng 12 này, Việt Nam sẽ đạt tiêu chuẩn miễn dịch cộng đồng khi toàn bộ dân số 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Do đó nếu có sự vào cuộc của từng y bác sĩ cả nước, chúng ta sẽ lại chặn được đợt dịch này.
Vì sao TP.HCM cần chi viện 3.000 y bác sĩ và điều dưỡng?
UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế đề xuất tiếp tục hỗ trợ, chi viện 1.000 bác sĩ và 2.000 điều dưỡng để tham gia phòng chống dịch COVID-19.
Tại sao TP.HCM có đề xuất này?
Ca nặng và tử vong còn cao
TP.HCM đang là địa phương đứng đầu cả nước về số ca mắc hằng ngày (trên 1.000 ca/ngày, có ngày trên 1.800 ca). Ngoài ra theo số liệu cập nhật từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ngày 16-12 cho thấy số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 1.065 người, trong khi số xuất viện trong ngày chỉ 1.011 ca.
Số ca tử vong tại TP.HCM cũng đang tăng cao nhất nước. Số ca tử vong luôn duy trì ở mức trên 50 ca và đã có vài ngày trên 90 ca trong khoảng một tháng qua. Như ngày 16-12, TP.HCM ghi nhận 65 ca tử vong, chiếm gần 1/4 tổng số ca tử vong của cả nước (241 ca).
Theo đánh giá của ngành y tế TP.HCM, trong 65 ca tử vong này có 91% kèm bệnh nền, 86% có độ tuổi từ 50 trở lên. Gần đây các bác sĩ điều trị còn ghi nhận bệnh nhân tử vong do nguyên nhân từ việc kháng thuốc ở bệnh nhân mắc COVID-19 nặng bị nhiễm trùng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-12, hầu hết các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại TP.HCM đều cho rằng những ngày gần đây số ca chuyển nặng (dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin) có chiều hướng gia tăng. Do đó thiếu nhân lực tại chỗ bởi các lực lượng chi viện đã rút quân.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM với quy mô 400 giường hồi sức đến nay bệnh nhân chuyển đến hơn phân nửa, trong đó có đến 8 ca ECMO (tim phổi nhân tạo).
Tại Bệnh viện dã chiến quận 8 (số 1) chỉ có 20 giường hồi sức nhưng đến nay đã có 21 bệnh nhân cần hồi sức. Trong số khoảng 60 ca đang điều trị có đến 5 ca phải thở oxy dòng cao (HFNC), 9 ca thở oxy qua mặt nạ và khoảng 20 ca cần phải hỗ trợ oxy.
"Lực lượng chi viện rút, nguồn nhân lực hiện có đang rất thiếu khi chỉ có khoảng 20 nhân viên y tế, trong đó chỉ có 9 điều dưỡng" - bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, giám đốc điều hành bệnh viện, nói.
Các bác sĩ quân y thuộc trạm y tế lưu động phường Tân Thới Nhất (quận 12, TP.HCM) lấy mẫu xét nghiệm cho người dân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sắp quá tải
Từ giữa tháng 10-2021, ngành y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch về khả năng điều trị khi không còn lực lượng chi viện hỗ trợ.
Theo đó, năng lực điều trị của TP.HCM có thể chịu đựng được trong cùng một thời điểm là 20.000 ca mắc, trong đó gần 5.000 ca phải hỗ trợ hô hấp, 525 ca phải thở máy xâm lấn và 1.300 ca mới nhập viện mỗi ngày.
Nếu đối chiếu với tình hình thực tế hiện nay có thể nhận thấy năng lực y tế của TP.HCM đang tiệm cận với sự quá tải.
Cụ thể trong tổng số 71.832 bệnh nhân đang được cách ly điều trị hiện nay, có 11.574 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2, 3 (nặng cần hồi sức). Số ca nặng hỗ trợ hô hấp là 3.153 người, trong đó số ca đang thở máy xâm lấn là 505 người và khoảng 1.200 ca mắc mới/ngày.
Trong văn bản đề xuất chi viện, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nêu để bổ sung nhân lực nhằm mở rộng quy mô giường bệnh, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế xem xét, tiếp tục hỗ trợ bổ sung lực lượng y tế, cụ thể gồm 1.000 bác sĩ và 2.000 điều dưỡng, trong đó có 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức cấp cứu để tiếp tục duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức, bệnh viện 3 tầng thu dung điều trị COVID-19.
Trước đó ngày 9-12, TP.HCM đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ 537 quân y để tăng cường cho 179 trạm y tế lưu động trên địa bàn.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh ở phạm vi cả nước, theo đánh giá của các chuyên gia dịch tễ, đề xuất chi viện của TP.HCM có thể rất khó được đáp ứng đầy đủ. Nhưng từ nội dung đề xuất này có thể nhìn thấy bức tranh về nhân lực y tế chống dịch của TP.HCM đang rất thiếu, đặc biệt ở các tầng điều trị (2, 3) cho bệnh nhân nặng cần hồi sức.
"Bên cạnh trông chờ vào lực lượng chi viện, TP.HCM phải chủ động tự thân vận động, tức huy động các nguồn lực từ y tế tư nhân, y tế nghỉ hưu, sinh viên ngành y, cùng các tình nguyện viên cùng tham gia chống dịch.
Ngành y tế cần phải có một hệ thống dự phòng dài hơi hơn, theo dõi sát diễn tiến dịch bệnh, đặc biệt khi biến chủng Omicron đang xâm nhập ở nhiều nước. Từ đó mới tránh được tình trạng để dịch gia tăng đột biến dẫn đến quá tải hệ thống y tế" - một chuyên gia dịch tễ tại TP.HCM nhìn nhận.
TP.HCM không quá tải giường bệnh
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện tại TP.HCM có khoảng 10.000 giường oxy được thiết kế, trong khi số bệnh nhân cần phải thở oxy tại các bệnh viện hiện chỉ khoảng 3.000 giường.
Như vậy khả năng đáp ứng về số giường oxy và nguồn cung ứng oxy lỏng cho các bệnh viện vẫn đảm bảo và công suất sử dụng mới chỉ đạt 50% so với thời điểm đỉnh dịch.
HOÀNG LỘC
Cần Thơ: sử dụng mọi nguồn lực tại chỗ
Bác sĩ Trần Quốc Luận - giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết hiện tại bệnh viện đã rút nhân lực trước đó chi viện cho Bệnh viện dã chiến quận Bình Thủy về, cùng với lực lượng y bác sĩ quân y tăng cường của Bộ Quốc phòng về trực tiếp tham gia các êkip điều trị...
Sắp tới bệnh viện sẽ được tăng cường thêm lực lượng sinh viên y khoa năm cuối từ Trường đại học Y dược Cần Thơ. Những sinh viên này sau khi được tập huấn công tác chuyên môn, sẽ trực tiếp bổ sung cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 2, tầng 3.
Theo Sở Y tế Cần Thơ, ngoài việc xin chi viện từ Bộ Y tế, đơn vị đã tự vận động y bác sĩ từ các bệnh viện tư nhân, các trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành sức khỏe trên địa bàn. Một số bệnh viện tư tại Cần Thơ cũng đã cử bác sĩ, điều dưỡng tăng cường cho bệnh viện điều trị COVID trên địa bàn.
Đặc biệt Trường đại học Y dược Cần Thơ và Cao đẳng Y tế Cần Thơ đã hỗ trợ nhiều cán bộ, sinh viên tham gia chống dịch.
T.LŨY
Sóc Trăng, Cà Mau: thiếu bác sĩ dữ lắm!
Ông Nguyễn Văn Dũng - giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau - cho biết đã huy động tổng nhân lực trong và ngoài ngành y tế tham gia phòng chống dịch gồm 2.480 người. Ngoài ra Cà Mau còn huy động thêm 12.000 nhân viên lấy mẫu xét nghiệm và các ngành khác cùng tham gia phòng chống dịch.
Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho Cà Mau. "Để kịp thời khống chế được dịch bệnh, giảm số ca chuyển nặng và tử vong, Cà Mau mong Bộ Y tế sớm hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh" - ông Huỳnh Quốc Việt nói.
Tương tự, ông Trần Văn Dũng - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng - cho biết đã huy động 100% lực lượng trong và ngoài ngành y tế túc trực 24/24 giờ để chăm sóc, điều trị các bệnh nhân COVID-19 nhưng vẫn không kham nổi. Hiện Sóc Trăng còn thiếu 30 bác sĩ và 70 điều dưỡng trong khu bệnh nhân nặng và 100 bác sĩ, 200 điều dưỡng điều trị F0 tại nhà.
Ông Dũng cho biết đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ nhưng có lẽ do bộ cũng còn "kẹt" nhân lực cho nhiều tỉnh nên chưa chi viện được. "Trước mắt tỉnh linh hoạt điều chuyển lực lượng từ địa bàn khác sang hỗ trợ những vùng dịch căng thẳng, giảm quá tải" - ông nói.
K.TÂM
Bình Phước: quá khả năng mới xin chi viện
Lãnh đạo Sở Y tế Bình Phước cho hay các cơ sở thu dung, điều trị ở tỉnh hiện đã bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Hiện Bình Phước chuẩn bị có kế hoạch xin Bộ Y tế hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị y tế cho địa phương.
"Với việc số ca bệnh tăng nhanh đã gây áp lực không nhỏ đến lực lượng y tế địa phương. Do đó chúng tôi vừa phải động viên, có cơ chế phù hợp, vừa phải huy động nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ. Trường hợp vượt quá khả năng của tỉnh sẽ tính đến phương án xin chi viện" - lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước chia sẻ.
BÌNH AN
Đồng Nai: y bác sĩ quá tải
Ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho hay đội ngũ y bác sĩ đã kiệt sức, quá tải trong công việc.
"Bây giờ số lượng bệnh nhân nặng nhiều khiến anh em quá tải, khó có thể chăm sóc chu đáo từng bệnh nhân được" - ông Vũ bộc bạch và cho biết thêm hiện Đồng Nai cũng cần chi viện nhưng rất khó kiếm nhân lực bổ sung. Bởi các tỉnh ở miền Tây đang bị nặng hơn nên ưu tiên nhân lực hỗ trợ các tỉnh thành này.
A LỘC
Huế, Đà Nẵng: chưa cần chi viện
Ngày 17-12, ông Nguyễn Thanh Bình - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết tỉnh này vẫn đủ nguồn nhân lực để chống dịch và hiện chưa cần đến sự chi viện của Bộ Y tế. Sau khi lực lượng y tế của Bệnh viện Trung ương Huế làm việc ở TP.HCM về lại Huế, sẵn sàng tham gia chống dịch ở tỉnh.
"Do vậy trước mắt nguồn lực về y tế của tỉnh vẫn còn đủ, chưa phải xin Bộ Y tế chi viện" - ông Bình nói.
Tại Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến số 3 đã được thành lập để kịp thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19. Cả 3 bệnh viện dã chiến của Đà Nẵng hiện nay đều sử dụng nguồn lực tại chỗ là nhân viên y tế các bệnh viện.
Để chủ động ứng phó số ca mắc tăng cao, Đà Nẵng đã cho thiết lập 112 trạm y tế lưu động tại 56/56 xã, phường và các trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp để chăm sóc, điều trị ngay từ đầu cho các bệnh nhân, tránh để nặng phải chuyển lên tuyến trên.
N.LINH - T.TRUNG
Tây Ninh: y bác sĩ với "nhiệm vụ kép"
Ông Đỗ Hồng Sơn - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh - cho biết thời gian qua tuy cũng đã có sự chi viện y tế từ các tỉnh nhưng nguồn thiết bị, nhân lực y tế vẫn bị quá tải. Lực lượng y tế vừa đảm bảo điều trị COVID-19 vừa phải khám chữa bệnh thông thường nên càng quá tải hơn.
Do đó Tây Ninh rất cần sự chi viện y bác sĩ đến từ các tỉnh thành khác. Hôm 8-12, Bộ Y tế đã điều động 34 cán bộ y tế Bệnh viện E vào hỗ trợ Tây Ninh, 50 nhân viên y tế của đoàn Hải Phòng cũng đã có mặt để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19.
C.TUẤN
Nhóm y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chi viện điều trị COVID-19 cho thị xã Tân Châu, An Giang - Ảnh: MINH KHANG
An Giang: đã hỗ trợ nhưng vẫn quá tải
ông Trần Quang Hiền - giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang - cho biết hiện tại An Giang đang trong tình trạng quá tải khu điều trị COVID-19 nên cần sự chi viện của Bộ Y tế rất lớn để giúp điều trị F0 tầng 3. Hiện tại An Giang có 2 đoàn y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và Trường cao đẳng Y tế Sài Gòn đang hỗ trợ tỉnh.
"2 đoàn y tế này đã xuống An Giang hơn 3 tháng nay, chủ yếu hỗ trợ điều trị, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo cách điều trị F0 tầng 3. An Giang đang quá tải các khu điều trị nên chúng tôi đề nghị phía Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ 30 nhân viên y tế nữa" - ông Hiền nói.