tham tử hà nội, tham tu ha noi, thue tham tu, thuê thám tử, dịch vụ thám tử, dich vu tham tu, văn phòng thám tử, công ty thám tử,

Chìa khóa mở kho vaccine thế giới

Chia sẻ: 

10/06/2021 - 17:18:00


Trong cuộc họp ở Geneva (Thụy Sĩ) liên quan tới đề xuất tạm thời miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, kết thúc rạng sáng 10/6, các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhất trí xây dựng lộ trình đàm phán hướng tới soạn thảo một thỏa thuận nhằm đạt mục tiêu tăng cường cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển. 

Chú thích ảnh
Vaccine Sputnik V phòng COVID-19 của Nga. Ảnh: THX/TTXVN

WTO dự kiến bắt đầu thảo luận ngày 17/6 để xác định hình thức đàm phán.

Mặc dù chưa thể có câu trả lời đối với vấn đề miễn trừ quyền sở hữu vaccine, song việc các thành viên WTO đồng ý khởi động đàm phán đã được đánh giá là một bước tiến, bởi đây là chủ đề gây tranh cãi giữa các nhóm nước và các hãng dược thời gian qua.

Hơn một năm sau khi dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã có trong tay một số loại vaccine được công nhận hiệu quả trong phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Chiến dịch tiêm vaccine của các nước đã đạt những kết quả bước đầu, trong khi những nỗ lực bào chế vaccine vẫn đang được thúc đẩy. Vấn đề được quan tâm hiện nay là làm sao tất cả các nước có thể được tiếp cận “vũ khí” quan trọng này một cách nhanh chóng và công bằng, đặc biệt trong bối cảnh sự xuất hiện các biến thể mới của virus đang đe dọa khiến vaccine hiện có trở thành lạc hậu. Chìa khóa mở kho vaccine thế giới hiện xoay quanh đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ, hay bản quyền vaccine.

Bản quyền vaccine được tạo ra nhằm ngăn chặn các đối thủ sao chép thành quả của bên sáng chế và tung ra sản phẩm tương tự. Hiện tại, bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 thuộc về các phòng thí nghiệm (thường của các hãng dược) đã phát triển chúng và có giá trị trong 20 năm. Trong thời gian này, chỉ công ty đó mới có thể đưa ra phương pháp điều trị dựa trên những phát hiện biệt dược của họ. 

Trong bối cảnh thế giới đang cần đẩy nhanh sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nhằm đối phó với sự biến đổi nhanh chóng của virus, hàng chục quốc gia, chủ yếu là các nước đang phát triển, cùng nhiều tổ chức đã kêu gọi tạm thời từ bỏ các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả bằng sáng chế  đối với vaccine ngừa COVID-19, theo đó các nước đang phát triển có thể sản xuất hoặc nhập khẩu các liều vaccine gốc mà không cần sự cho phép của các công ty sở hữu bằng sáng chế.

Hai nước khởi xướng chủ đề này là Ấn Độ và Nam Phi đã gửi kiến nghị lên WTO từ tháng 10/2020, trong đó dẫn một số báo cáo nhấn mạnh rằng “quyền sở hữu trí tuệ cản trở hoặc có nguy cơ cản trở việc cung cấp kịp thời các sản phẩm y tế giá cả phải chăng cho người bệnh”. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng thúc đẩy ý tưởng này.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: “Trong các quy định thương mại quốc tế, có quy định về sự linh hoạt trong các tình huống khẩn cấp và chắc chắn có bao gồm tình huống xảy ra đại dịch toàn cầu, khi nhiều công ty phải đóng cửa, các doanh nghiệp lớn nhỏ chịu nhiều thiệt hại”.

Ban đầu, đề xuất này không được hưởng ứng. Tới đầu tháng trước, khi Mỹ bất ngờ tuyên bố ủng hộ bãi bỏ quyền bảo hộ bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19, các nước đang phát triển cũng trình lên WTO đề xuất điều chỉnh mới, vấn đề này mới được xem xét trở lại.

Theo những người ủng hộ ý tưởng này, quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine nên được miễn để có thể cho phép tăng tốc sản xuất trên toàn cầu, bởi tình trạng thiếu hụt vaccine hiện nay đang cản trở các nước, đặc biệt là các nước nghèo châu Phi, đẩy lùi virus SARS-CoV-2. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhiều lần nêu bật thực trạng phân phối vaccine không đồng đều, khi 124 quốc gia/vùng lãnh thổ nhận được chưa đầy 5% tổng số liều vaccine trên thế giới, 22 quốc gia vẫn chưa tiêm chủng cho 1% dân số. Châu Phi hiện chỉ có vaccine để tiêm chủng cho khoảng 2% dân số, trong khi lượng vaccine sản xuất ra không đủ để cung cấp cho COVAX, cơ chế vốn thành lập để giúp 90 quốc gia nghèo được tiếp cận vaccine miễn phí hoặc với giá thành thấp

Việc dỡ bỏ bản quyền sẽ cho phép sản xuất vaccine với liều lượng nhiều hơn và giá thành thấp hơn. Ông Robin Guittard, người phát ngôn của tổ chức phi chính phủ Oxfam nhấn mạnh: "Đó là điều tất yếu. Chúng ta phải cho phép để có thể sản xuất các loại vaccine này một cách đại trà, nhiều hơn hiện nay. Việc duy trì kiểm soát độc quyền một số loại vaccine của các công ty dược phẩm lớn không có ý nghĩa gì". Mặc dù vậy, theo đề xuất, các chủ sở hữu bằng sáng chế vẫn phải được bồi thường ở mức hợp lý để sử dụng thành công quyền sở hữu trí tuệ của họ. Việc miễn trừ phải được giới hạn ở dịch bệnh COVID-19, và không được tự động mở rộng sang các mục đích sử dụng khác. Việc miễn trừ này phải là tạm thời, có thể trong vòng 3-5 năm.

Các bên ủng hộ đề xuất này nhấn mạnh việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine cho phép thế giới tiếp cận công bằng với các công cụ chống dịch COVID-19, bởi vậy đây vừa là vấn đề kinh tế vừa là vấn đề đạo đức. Xét về mặt nguyên tắc, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đã thừa nhận quyền và nhu cầu thường xuyên của các chính phủ đối với sở hữu trí tuệ trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Mặt khác, sở hữu trí tuệ do các hãng dược phẩm như Moderna, Pfizer/BioNTech đang nắm giữ đa phần không phải kết quả từ những đổi mới của chính họ mà là từ rất nhiều kết quả nghiên cứu học thuật được Chính phủ Mỹ tài trợ. Các công ty tư nhân tuyên bố độc quyền đối với sở hữu trí tuệ đang được sản xuất phần lớn bằng nguồn vốn công và khoa học hàn lâm, có nghĩa là có sự đóng góp của người dân và việc đóng thuế của họ. Như nhà sinh vật học Sammuel Alizon giải thích: “Những vaccine này được tài trợ và phát minh ra từ nghiên cứu cộng đồng, theo báo cáo của Trung tâm Y tế toàn cầu ở Thụy Sĩ”.

Thế giới đã có tiền lệ về miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với thuốc chữa bệnh. Cuối những năm 1990, thuốc kháng virus đã tạo ra một cuộc cách mạng trong điều trị HIV/AIDS. Nhưng giá của chúng nằm ngoài tầm với của đại đa số những người dương tính với HIV. Đến năm 2005, một thỏa thuận chính thức hợp pháp hóa việc sao chép và bán thuốc điều trị HIV/AIDS đã khiến chi phí điều trị bình quân đầu người giảm 99% ở nhiều quốc gia đang phát triển.

Dù vậy, không phải tất cả đều mặn mà với đề xuất tạm dỡ bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID-19. Trong phát biểu thể hiện quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen không tuyên bố ủng hộ mà chỉ “sẵn sàng thảo luận” đề xuất của Mỹ nhằm tăng tốc sản xuất và phân phối vaccine. Theo bà: “Một quyết định từ bỏ bản quyền của một tài sản trí tuệ sẽ không giải quyết được vấn đề, không đem lại thêm dù chỉ là một liều vaccine trong ngắn và trung hạn”.  Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng trong ngắn hạn và trung hạn, chia sẻ vaccine mới là vấn đề quyết định.

Tuần trước, EU đã đệ trình lên WTO một bản kế hoạch mà khối này cho rằng “có thể giúp tăng nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả hơn phương án bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine”. Đề xuất của EU là dỡ bỏ bớt các quy định về hạn chế xuất khẩu vaccine cũng như nguyên liệu bào chế vaccine và tăng nguồn cung cho các nước đang phát triển.

Nhiều nước châu Âu, trong đó có Anh, Đức, Thụy Sĩ… cũng có quan điểm rằng đình chỉ bảo hộ bằng sáng chế sẽ không giúp gì cho việc “tiếp cận công bằng, giá cả phải chăng và nhanh chóng đối với vaccine”, bởi lẽ “việc sản xuất vaccine trên toàn cầu gần như đã tới hạn”, “hầu hết các cơ sở có khả năng sản xuất vaccine đều đã hoạt động hết công suất”. Theo công ty phân tích tư vấn Airfinity có trụ sở tại London, các công ty dược phẩm đã cung cấp 1,3 tỷ liều vaccine chỉ nửa năm sau khi loại vaccine đầu tiên được phê duyệt khẩn cấp. Các hãng dược cũng ký hơn 100 hợp đồng để mở rộng sản xuất ở bên ngoài, như vaccine AstraZeneca đang được sản xuất ở Ấn Độ, Brazil, Argentina, Thái Lan….

Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine có thể dẫn tới nguy cơ cản trở sự đổi mới, nghiên cứu và phát triển vaccine. Cũng không ít ý kiến cho rằng bản quyền vaccine không phải là yếu tố hạn chế việc sản xuất và cung cấp vaccine, biện pháp miễn trừ quyền sở hữu không đồng nghĩa với việc các nước nghèo và các nước kém phát triển có thể sản xuất được vaccine bởi thiếu năng lực sản xuất, công nghệ, kỹ năng và nguyên liệu.

Theo tính toán của tờ Les Échos (Pháp), dù nhiều hãng dược của Ấn Độ, Nam Phi và Brazil có trình độ bào chế, nhưng về thủ tục phải chờ 6-7 tháng mới có thể bắt tay vào sản xuất. Ngoài ra, cũng cần có nguồn cung ứng 500 loại nguyên vật liệu để bào chế vaccine và cần nguồn nhân lực dồi dào từ cả hai phía để chuyển giao, tiếp nhận công nghệ. Nhà sản xuất vaccine BioNTech-Pfizer cho biết cần 280 thành phần của 86 nhà cung cấp tại 19 quốc gia kết hợp lại để tạo ra loại vaccine này. Chuyên gia Matt Linley từ hãng Airfinity, nhận định: “Nếu không có hướng dẫn và chuyên môn thích hợp, khả năng tiếp cận quyền sở hữu trí tuệ không có nghĩa là vaccine sẽ được sản xuất nhiều hơn”.

Các đại diện ngành công nghiệp dược phẩm thì lập luận rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ tước đi lợi nhuận hợp pháp của ngành và các động lực tài chính cho việc phát triển dược phẩm trong tương lai. Dựa trên 11 loại vaccine được bán trên thị trường, Viện CEPI của Pháp cho biết tính trung bình, mỗi dự án phát triển vaccine cần 10 năm, với số tiền đầu tư 2,8 - 3,7 tỷ USD và tỷ lệ thất bại ở thời điểm khởi đầu dự án lên tới 94%. Nếu quyền sở hữu trí tuệ không được bảo đảm, các hãng bào chế rất khó tìm được nhà đầu tư tài chính, và việc dỡ bỏ quyền sở hữu vaccine COVID-19 có thể tạo tiền lệ tương tự nếu thế giới lại lâm vào khủng hoảng dịch bệnh.

Trên thực tế, bằng cách kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, các nhà đầu tư tư nhân sẽ kiếm được lợi nhuận khổng lồ, điển hình là việc hãng dược phẩm Moderna hiện có giá trị vốn hóa khoảng 73,4 tỷ USD, so với khoảng 1,1 tỷ USD vốn chủ sở hữu được huy động từ đợt ra mắt công chúng đầu tiên vào năm 2018.

Thỏa thuận về tạm thời miễn trừ bản quyền vaccine ngừa COVID-19 cần phải được sự ủng hộ của tất cả 164 thành viên WTO. Việc các nước nhất trí khởi động đàm phán có thể coi là một tín hiệu tích cực, song quá trình thương lượng phức tạp và kéo dài, thường phải  mất  vài tháng, thậm chí là vài năm ở WTO cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ.

Đề cập tới vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh châu Phi John Nkengasong đã nhắc tới đại dịch HIV/AIDS. Ông nêu rõ: "Năm 1996 đã có thuốc điều trị HIV và chúng tôi đã chứng kiến tỷ lệ tử vong ở những nước phát triển giảm mạnh như thế nào. Tuy nhiên, 10 năm sau đó, người dân châu Phi mới tiếp cận được với loại thuốc này. Trong giai đoạn này, 12 triệu người châu Phi đã tử vong vì HIV/AIDS”.

Vaccine đã được khẳng định là vũ khí hữu hiệu phòng COVID-19, bởi vậy ở thời điểm hiện nay, vấn đề mấu chốt là cần sản xuất được nhiều vaccine hơn và vaccine được phân phối rộng khắp. Tuy  nhiên, quan trọng là các nước phải giải quyết vấn đề này nhanh chóng, bởi chừng nào còn lây lan, virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tạo ra các biến thể mới có thể gây hậu quả thảm khốc cho toàn thế giới, ngay cả với những người đã được tiêm chủng.

Phương Hà (TTXVN
Ý kiến bạn đọc
captcha
công ty cổ phần phát triển đô thị Cổng thông tin tỉnh hải dương cổng thông tin hội đồng nhân dân

Lịch phát sóng

Giá vàng JSC
Khu vực Mua vào Bán ra
Ngoại tệ
Mã NT Mua TM Mua CK Bán
USD 23.00 23.00 23.00
SGD 17.00 17.00 17.00
JPY 159.90 161.52 169.28
GBP 29.00 29.00 30.00
EUR 25.00 25.00 26.00
CAD 17.00 17.00 17.00
AUD 15.00 15.00 15.00

Thông tin thời tiết

Dự báo thời tiết Hải Dương

Hôm nay, 22/11/2024

°C -°C

°C -°C

°C -°C
Theo TTKTTV