Chính phủ gỡ khó trong mua sắm thiết bị y tế: Bệnh viện “thở phào”08/03/2023 - 08:55:00 Chính phủ mới ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý trang thiết bị y tế (Nghị định 07) và Nghị quyết 30/NQ-CP (Nghị quyết 30) tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế (TTBYT).Điều này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các nút thắt mà ngành Y tế đang đối mặt lâu nay, giúp chủ động, kịp thời hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đặc biệt, người dân kỳ vọng sau đây việc mua sắm thiết bị y tế không cần phải "chạy marathon" qua gần chục công ty rồi mới tới bệnh viện (BV). Thời gian qua, nhiều BV hạn chế mổ, phải chuyển bệnh nhân, không thể mua sắm, sửa chữa trang thiết bị vì không đủ 3 nhà thầu báo giá. Trước những khó khăn của ngành Y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 và Nghị quyết 30 sửa đổi Nghị quyết 144 với hàng loạt giải pháp cụ thể nhằm khẩn cấp tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc và TTBYT phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh (KCB). Từ đây, các BV có thể “thở phào” vì khó khăn sẽ được tháo gỡ. Theo lãnh đạo nhiều BV, những quy định thay thế này đã cấp cứu kịp thời, cơ bản giải quyết được những vướng mắc mà BV công đang gặp phải trong việc mua sắm, đấu thầu TTBYT. Nhờ các quy định gỡ nút thắt của Nghị quyết 30 mà các vật tư, hóa chất BV đã đấu thầu nhưng bị vướng thời gian qua sẽ được tháo gỡ ngay trong thời gian này. Theo GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ vừa ban hành đã cơ bản giải quyết được những vấn đề mà BV đang gặp phải về mua sắm, đấu thầu TTBYT. BV sẽ nhanh chóng thực hiện theo hướng dẫn để tháo gỡ những vấn đề đang gặp phải để tiếp tục KCB cho người dân. Mặt khác, BV cũng xem xét để việc phẫu thuật cho các bệnh nhân thuộc diện mổ phiên sẽ sớm trở lại bình thường. Tương tự, đại diện lãnh đạo BV K cũng bày tỏ vui mừng khi đón nhận 2 văn bản này, đặc biệt là Nghị quyết 30 sẽ giải quyết được nút thắt trong thanh toán BHYT, mua sắm, đấu thầu TTBYT, hóa chất, sinh phẩm đang vướng mắc. Cùng đó, việc Nghị quyết 30 cho phép "các cơ sở y tế được sử dụng các TTBYT đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các TTBYT liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để KCB. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng TTBYT này được quỹ BHYT thanh toán, sẽ không chỉ tháo gỡ cho các BV, trong đó có BV K, góp phần sử dụng hiệu quả các máy móc thiết bị cho công tác KCB, đặc biệt trong triển khai các kỹ thuật cao, chuyên sâu. Được biết, hóa chất phục vụ xét nghiệm chuyên sâu tại BV K, khoảng 1 - 2 tháng nữa có thể sẽ hết trước. Nhưng nay Nghị quyết 30 đã kịp thời tháo nút thắt thời gian thanh toán nên BV yên tâm làm thầu, mua sắm. Ngoài ra, theo lãnh đạo BV K, việc không bắt buộc phải tham khảo 3 báo giá khi đấu thầu, mua sắm TTBYT… như quy định tại Nghị quyết 30 đã giúp các BV "dễ thở" hơn trước đây. Đồng quan điểm, GS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai bày tỏ vui mừng khi những khó khăn trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, máy mượn máy đặt tại BV được gỡ vướng. Theo GS.TS Đào Xuân Cơ, Nghị định 07 của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thông quan nhập trang thiết bị, giao trách nhiệm cho các hãng, công ty phải đảm bảo về chất lượng hàng hóa, sản phẩm để cung ứng cho các cơ sở KCB. Còn với Nghị quyết 30, BV được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối khi mua máy độc quyền. Cơ chế này cũng giúp các BV đầu ngành cả nước như Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh)... được triển khai và nâng tầm các kỹ thuật tiên tiến do có thể mua được các thiết bị chuyên sâu, lần đầu tiên vào Việt Nam mà chỉ có một nhà cung cấp, một báo giá. Trước đây, với quy định “3 báo giá” thì máy hỏng cũng đành phải “đắp chiếu”. Thế nhưng, với Nghị quyết 30, BV được mua linh kiện sửa chữa cho máy móc khi hỏng, không đợi “3 báo giá” để đấu thầu phần linh kiện này trong trường hợp hãng độc quyền. Thêm những giải pháp lâu dài Thêm một điểm mới nữa mà theo lãnh đạo các BV là hàng triệu người bệnh sẽ được hưởng lợi. Đó là Nghị quyết 30 cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các TTBYT đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các TTBYT liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để KCB. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng TTBYT này được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. Tuy nhiên, theo lãnh đạo BV Bạch Mai, đây là những giải pháp mang tính cấp bách, còn để giải quyết lâu dài vấn đề này, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng những quy định rõ ràng pháp luật về việc đấu thầu, mua sắm TTBYT. Xây dựng các quy định về đấu thầu thuốc, TTBYT trong dự án Luật Đấu thầu bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành Y tế. “Nếu có những văn bản pháp quy rõ ràng, công khai minh bạch, các BV sẽ hoạt động trơn tru. Khi nghị quyết ban hành, BV sẽ thực hiện đúng nghị quyết, không lợi dụng việc tháo gỡ của nghị định để vụ lợi mà phải tuân thủ đúng pháp luật” - GS.TS Đào Xuân Cơ khẳng định. Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cho rằng, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 giống như liều thuốc cấp cứu kịp thời cho các BV, đã tháo gỡ và giải quyết được nhiều vấn đề căn cơ ngay trước mắt mà các BV đang gặp khó. Nhất là những BV tuyến cuối, có nhiều xét nghiệm chuyên sâu và đặc thù, hay với những BV có máy đặt, máy mượn… Trong nhiều điểm mới được quy định tại Nghị quyết 30, lãnh đạo BV Đa khoa Đức Giang tâm đắc nhất việc không cần phải có đủ "3 báo giá" khi xây dựng giá đấu thầu, mua sắm TTBYT. “BV mới chỉ đấu thầu được 50% TTBYT vì lý do không có đủ ba báo giá. Với nghị định được ban hành chấp nhận những hạng mục không đủ 3 báo giá vẫn được đấu thầu sẽ giúp BV tháo gỡ được vướng mắc. Chúng tôi sẽ nhanh chóng thực hiện theo hướng dẫn của nghị quyết để thực hiện việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị để đảm bảo KCB cho người dân” - TS Nguyễn Văn Thường cho hay. Theo Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Lợi, với việc gia hạn các giấy phép nhập khẩu, Nghị định 07 giải quyết vấn đề rất thiết yếu cho các BV, những gói thầu đã trúng thầu thì có thể nhập khẩu được ngay và đáp ứng nhu cầu cho các BV đang bị thiếu. Ngay từ thời điểm này, các DN có thể nhập khẩu vật tư, TTBYT cung cấp cho hệ thống y tế. Nghị định 07 giúp giải quyết những vấn đề cấp bách trong mua sắm TTBYT, kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng TTBYT nhập khẩu tại các cửa khẩu. Dù Nghị định 07 và Nghị quyết 03 đã tháo gỡ được điểm nghẽn thiết yếu cho các BV nhưng nhiều ý kiến cho rằng, hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần có thời gian để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng KCB, đảm bảo sức khỏe toàn dân. Nghị quyết 30 có nhiều điểm mới, tháo gỡ cơ bản những vướng mắc của các cơ sở y tế hiện nay. Trong đó, Nghị quyết 30 quy định các hợp đồng được ký trước ngày 5/11/2022 sẽ tiếp tục thực hiện theo thời hạn của hợp đồng. Với các hợp đồng được ký từ ngày 5/11/2022 thì được tiếp tục thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này (không còn thời hạn đến ngày 5/11/2023), bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp. Quy định này nhằm lấp khoảng thời gian trống về mặt pháp lý trong thực hiện vấn đề này từ sau ngày 5/11/2023 đến khi Luật KCB (sửa đổi) có hiệu lực và có các văn bản hướng dẫn theo quy định. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính (Bộ Y tế) - Thành viên soạn thảo Nghị quyết 30 Nguyễn Tường Sơn Theo Kinh tế đô thị
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|