Khi Chính phủ Trung Quốc công bố số liệu điều tra dân số vào tháng trước, dư luận có dịp để nhận ra mức độ sụt giảm dân số tại quốc gia này. Tỉ lệ sinh nở tại Trung Quốc giờ đây thuộc diện thấp nhất thế giới. Số trẻ em sinh ra trong năm 2020 ngang bằng với số trẻ em ra đời trong những năm đầu thập niên 1960, quãng thời gian Trung Quốc đang phải vật lộn với nạn đói.
Đó là những con số đáng lo ngại, không thể xem thường. Gần như ngay sau đó, Trung Quốc công bố chính sách mới cho phép sinh con thứ ba, nới lỏng hơn nữa biện pháp kiểm soát dân số đã được áp dụng trong bốn thập kỉ. Thế nhưng phản ứng của dân chúng lại chưa hẳn là tích cực trước thông tin mới này.
Theo giới phân tích, chỉ riêng chính sách sinh ba con là không đủ để đảo ngược tình trạng tỉ lệ sinh thấp tại Trung Quốc. Stuart Gietel-Basten, giáo sư chuyên ngành khoa học xã hội và chính sách công thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST), cho biết khảo sát do nhóm của ông tiến hành cho thấy có rất ít người Trung Quốc hiện nay thực sự muốn sinh con thứ ba.
Những yếu tố như chi phí nuôi dạy con cái, giảm cơ hội việc làm khi sinh con khiến nhiều phụ nữ Trung Quốc ngại sinh thêm con. “Chúng tôi không tin rằng thay đổi chính sách này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong tỉ lệ sinh đẻ tại Trung Quốc”, chuyên gia này nhận đình.
Trung Quốc từng thực thi chính sách một con trong một thời gian dài trước khi nới lỏng vào năm 2015 bằng chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh hai con. Nhưng thay đổi này cũng chưa giúp tăng tỉ lệ sinh. Dữ liệu thống kê cho thấy, tỉ lệ sinh nở tại Trung Quốc năm 2020 tại Trung Quốc là 1,3 trẻ em/bà mẹ, thấp ngang với những nước có mức độ già hóa dân số cao như Nhật Bản và Italy.
Khảo sát do hãng thông tấn Tân Hoa xã và mạng xã hội Weibo phối hợp thực hiện cũng cho thấy tâm lý ngại sinh nở ngay cả khi chính phủ mở đường cho chính sách sinh con thứ ba. Trong 31.000 người được hỏi liệu có sẵn sàng có con thứ ba hay không, có đến 28.000 chọn không bao giờ tính đến giải pháp này.
Một bộ phận nữ giới Trung Quốc cho rằng, chính sách ba con là phương thuốc đi chệch hướng. Brenda Liao, một sinh viên 25 tuổi cho biết cô và nhiều bạn bè cùng trang lứa giờ chạy theo lối sống mới có tên “tối giản nghĩa vụ”. Đây là triết lý sống khuyến khích đàn ông, phụ nữ tại Trung Quốc loại trừ đi những gì thuộc về nghĩa vụ ở mức nhiều nhất có thể trong cuộc sống, không cần phải đặt quá nhiều kỳ vọng liên quan đến việc sinh con.
Số khác đề cập đến sức ép về chi phí nuôi dạy con cái ở những thành phố lớn, coi đây là một lý do khiến họ không thể hưởng ứng chính sách sinh con thứ ba như mong đợi của chính phủ. Phụ nữ Trung Quốc giờ đây cũng có thu nhập và học thức cao hơn trước, kèm theo đó là tâm lý ngại sinh nở. Bởi khi đang ở độ chín của sự nghiệp, họ cảm thấy cơ hội có thể vọt qua nếu như thêm một lần thực hiện nghĩa vụ làm mẹ.
Một nguyên nhân khác chính là hệ quả của chính sách một con được áp dụng trong gần bốn thập kỉ. Biện pháp kiểm soát dân số này khiến nhiều các cặp vợ chồng Trung Quốc có tâm lý lựa chọn giới tính, chọn sinh con trai. Đến năm 2020, trong số đối tượng từ 20-40 tuổi, được coi là độ tuổi vàng về sinh nở, số nam giới nhiều hơn số nữ giới là 17 triệu người. Xu hướng chênh lệch giới tính này sẽ lại làm giảm tỉ nợ sinh nở trong tương lai.
Theo giáo sư Gietel-Basten, Trung Quốc cần triển khai bổ sung các biện pháp cụ thể khác để xử lý tận gốc vấn đề suy giảm dân số. “Thách thức về nhân chủng học sẽ không thể được xử lý chỉ bằng việc nâng tỉ lệ trẻ em trên bà mẹ. Nếu chính phủ Trung Quốc muốn nâng tỉ lệ sinh nở, điều cần làm là hỗ trợ các cặp vợ chồng có thêm khát vọng sinh con”, chuyên gia này nhìn nhận. Giảm chi phí giáo dục, tăng hỗ trợ tài chính, nhà ở với các gia đình có thể sẽ giúp tăng cường hiệu quả cho chính sách sinh con thứ ba.