Chờ mở lại đường bay quốc tế09/04/2021 - 08:04:00 Thời điểm này, nhiều lao động, thực tập sinh, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài rất mong đợi việc mở lại các đường bay để họ có cơ hội về nước sau thời gian dài dịch bệnh Covid-19. Hiện các hãng bay trong nước đã lên phương án chi tiết để sẵn sàng bay quốc tế. Cũng về việc này, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nếu không áp dụng nhanh “hộ chiếu vaccine” thì hàng không Việt lại thêm một lần chậm chân.
Sẵn sàng cho những chuyến bay Đáp ứng mong mỏi của khách hàng, Vietnam Airlines (VNA) bắt đầu khai thác thường lệ 4 đường bay quốc tế khai thác thường lệ gồm: Hà Nội - Narita (Tokyo, Nhật Bản), Hà Nội - Incheon (Seoul, Hàn Quốc), Hà Nội - Sydney (Úc) và TPHCM - Sydney. Tương tự, từ ngày 1/4/2021, Vietjet khai thác trở lại các đường bay quốc tế thường lệ đến Bangkok (Thái Lan), Tokyo (Narita, Nhật Bản), Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc)... Hãng Bamboo Airways cũng thông tin về việc hãng đã sẵn sàng triển khai việc khai thác các đường bay thẳng tới Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản từ tháng 7/2021 và dự kiến mở bán vé trong tháng 4 khi được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép. Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng đang tích cực xúc tiến và hoàn tất các thủ tục để đưa vào khai thác các đường bay tới các nước châu Á và châu Âu khác như: Australia, CH Séc, Đức, Anh… Bamboo Airways đã chính thức được Hội đồng Sân bay Vương quốc Anh cấp slot bay tại sân bay Heathrow (thủ đô London, Anh) từ tháng 5; hoàn thiện thu xếp slot tại sân bay Praha (CH Séc); được Cục Hàng không Việt Nam đồng ý cho phép khai thác các đường bay đến sân bay Frankfurt (Đức) và đang thu xếp để sớm mở bán thương mại… Đối với thị trường Mỹ, Bamboo Airwys đã được cấp Giấy phép đặc biệt để khai thác các chuyến khứ hồi Charter vận chuyển hành khách/hàng hoá tới Mỹ và ngược lại. Đồng thời, Hãng đã được Bộ GTVT Mỹ cấp phép bay để bay thẳng Mỹ từ quý 4/2021. Tuy nhiên, phía VNA cho hay: Các chuyến bay quốc tế này chưa phục vụ cho đa số hành khách đi lại hoặc du lịch mà chỉ tập trung phục vụ nhu cầu của người Việt đi học tập, lao động, thăm thân nhân ở nước ngoài, người nước ngoài từ VN về nước đáp ứng được các quy định nhập cảnh của các nước. Đại diện VNA khuyến cáo, hành khách cần chủ động tham khảo quy định nhập cảnh của các nước để đảm bảo giấy tờ, thủ tục cần thiết. Hãng bay không chịu trách nhiệm trong trường hợp khách bị từ chối nhập cảnh. Với khách từ nước ngoài về, theo quy định nhập cảnh hiện tại của Chính phủ Việt Nam, việc vận chuyển được thực hiện dưới hình thức các chuyến bay hồi hương và chuyến bay chở chuyên gia. Còn theo Phó Tổng giám đốc Vietjet Tô Việt Thắng, dù nhiều nước đã tổ chức tiêm vaccxin đại trà nhưng hoạt động bay thương mại quốc tế cũng phải lựa chọn thị trường nào an toàn phòng chống dịch tốt, các quy định kiểm soát tốt nhất. Đại diện VNA cũng thông tin: Các chuyến bay quốc tế đang được VNA thực hiện theo tiêu chuẩn phòng, chống dịch mức 4 - mức cao nhất trong hệ thống an toàn dịch bệnh của Hãng. Các biện pháp của VNA được đánh giá đảm bảo mức độ an toàn dịch bệnh cao hơn tiêu chuẩn của Liên minh hàng không toàn cầu SkyTeam, tương đương mức 4/5 sao của Tổ chức đánh giá hàng không Skytrax và xếp hạng 7/7 sao theo AirlineRatings. Mới đây, Vietnam Airlines được Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) chính thức đề nghị tham gia thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử ITP mang tính toàn cầu. Tương tự, Vietjet cũng đảm bảo mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch, đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản, thiết yếu của người dân. Với vai trò là thành viên của IATA, Vietjet đã tham gia xây dựng với các nhà chức trách Việt Nam và quốc tế để triển khai giải pháp ITP sớm đảm bảo vận chuyển hành khách an toàn, kiểm soát hiệu quả, đơn giản thủ tục, sẵn sàng đón khách. Đẩy nhanh tiến độ “hộ chiếu vaccine” Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam theo 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 3, dự kiến từ tháng 9/2021, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine đại trà, Cục Hàng không Việt Nam sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh nhưng áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”. Đề cập tới giải pháp “hộ chiếu vaccine”, trong khi hơn 20 hãng hàng không của các quốc gia đã thử nghiệm hộ chiếu vaccine, ITP hiệu quả, tuy nhiên giới chuyên gia hàng không trong nước lo ngại, kế hoạch, lộ trình theo thời gian của Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải có vẻ như hơi chậm, dễ đánh mất cơ hội phục hồi. Nếu Việt Nam không nhanh chóng thông qua Travel Pass, sẽ bị các thị trường du lịch quốc tế khác “hút” hết khách. Ở một góc nhìn khác, cũng có ý kiến cho rằng: Việt Nam có thể mở cửa đón khách quốc tế với hộ chiếu vaccine, nhưng phải là những loại vaccine được ngành Y tế của Việt Nam công nhận đạt chuẩn chất lượng, thông qua thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới. Đối với vaccine “vô danh”, thì phải từ chối cho nhập cảnh để không phải trả giá cho sự mất kiểm soát dịch bệnh. Ngược lại, công dân Việt Nam muốn ra nước ngoài cũng phải có loại hộ chiếu vacicine phù hợp với loại vaccine được nước đến chấp nhận.... Có thể thấy, qua một thời kỳ bị kiềm chế phòng chống Covid-19, số lượng người nước ngoài bị kẹt tại Việt Nam không về nước được, người Việt Nam ở các quốc gia khác cũng không về Việt Nam được, nên nhu cầu bay quốc tế là rất lớn. Do đó ngành chức năng cần sớm đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết các rủi ro ở mức thấp nhất với việc áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Mặt khác các hãng hàng không sẽ tiếp tục gặp khó nếu không có khách hàng. PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, Việt Nam muốn áp dụng hộ chiếu vaccine thì phải giải quyết các rủi ro, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ, có một ca mắc Covid-19 xâm nhập vào qua đường nhập cảnh trong khi ở nước ta, việc tiêm chủng chưa được nhiều, ít người bị mắc bệnh nên chưa có miễn dịch cộng đồng thì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|