Tất cả địa phương trong cả nước cũng đã hoàn thành việc công bố danh sách các ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Để có những bản danh sách này, các cơ quan chức năng và đông đảo cử tri trong cả nước đã phải mất khá nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để sàng lọc theo quy trình 5 bước với 3 vòng hiệp thương chặt chẽ, dân chủ, cẩn trọng. Trong đó, việc lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử chính là nhằm phát huy quyền làm chủ của cử tri, tạo điều kiện để cử tri đóng góp ý kiến toàn diện, bày tỏ quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý đối với người ứng cử.
Trên cơ sở các bản danh sách đã được công bố, vào ngày 23-5 sắp tới, cử tri cả nước sẽ lựa chọn, bầu những ứng cử viên thực sự xứng đáng vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Toàn cảnh họp báo công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa XV. Ảnh: quochoi.vn |
Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND.
Với vị trí, chức năng đặc biệt quan trọng của Quốc hội và HĐND đòi hỏi những người đại biểu trong các cơ quan này phải có đủ đức, đủ tài, đủ sức gánh vác trọng trách mà nhân dân gửi gắm. Trọng trách lớn nhất mà mỗi ĐBQH, đại biểu HĐND mang theo trong hành trang đảm nhiệm chức năng đại biểu của mình đó là đại diện ý chí, nguyện vọng của cử tri. Chính vì lẽ đó, lá phiếu để bầu ĐBQH và đại biểu HĐND có sức nặng vô cùng to lớn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cử tri hiểu tường minh về đại biểu ứng cử, từ đó có quyết định sáng suốt để lựa chọn người đại diện cho mình vào các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương?
Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đã góp phần trả lời câu hỏi trên bằng quy định về vận động bầu cử. Người ứng cử ở địa phương nào thì chủ động liên hệ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương đó để tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. Các cử tri có thể gặp trực tiếp người ứng cử, đặt câu hỏi với người ứng cử qua các cuộc tiếp xúc cử tri tại các địa phương.
Các cử tri cũng có thể tìm hiểu tiểu sử của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND qua những trang tin điện tử của Hội đồng Bầu cử quốc gia, ủy ban bầu cử các địa phương và niêm yết tại các địa điểm bầu cử. Các cử tri còn có thể tìm hiểu người ứng cử qua các phương tiện thông tin đại chúng khi những người này trả lời phỏng vấn hoặc công bố chương trình hành động của mình.
Bầu cử và ứng cử là quyền và nghĩa vụ của công dân, là quyền được hiến định và việc thực hiện các quyền này tuân thủ theo quy định của pháp luật. Để cử tri lựa chọn đúng được người cần bầu, điều quan trọng là các đại biểu ứng cử cần được tạo điều kiện tiếp xúc với cử tri của mình nhiều hơn. Còn cử tri cũng cần được tạo điều kiện để phát huy quyền dân chủ trực tiếp trong bầu cử.
Thực tế hoạt động của Quốc hội, HĐND trong những nhiệm kỳ qua cho thấy, chất lượng đại biểu là vấn đề căn cốt quyết định hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan dân cử. Vì vậy, trước hết phải đặt tiêu chuẩn, chất lượng của đại biểu lên hàng đầu, là gốc rễ, không thể vì cơ cấu mà hạ thấp chất lượng của đại biểu.
Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, bên cạnh thành tựu vô cùng to lớn, Quốc hội khóa XIV cũng đã xác nhận kỷ lục về số đại biểu bị bãi nhiệm, thôi nhiệm vụ và không công nhận tư cách đại biểu (9 người). Quốc hội đã xử lý một cách nghiêm minh, “không có vùng cấm” đối với các trường hợp ĐBQH có vi phạm, khuyết điểm và không còn được cử tri tín nhiệm. Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong thực hiện quy trình công tác nhân sự; bảo đảm phát huy dân chủ từ việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, vận động bầu cử để lựa chọn được những người thực sự xứng đáng vào Quốc hội và HĐND các cấp.
PHÚ QUÝ