“Cường béo” là cái tên thân mật mà nhiều người gọi anh Vũ Quốc Cường, chủ nhân của 2 quán cơm chay xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh. Những năm qua, anh được nhiều người biết đến không phải vì sự giàu sang, quyền cao chức trọng mà bởi anh có một tấm lòng “bồ tát” khi dành tâm huyết gắn bó với hoạt động thiện nguyện. Đặc biệt, khi dịch bệnh bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh, anh và bạn bè lại tiếp tục thành lập bếp cơm từ thiện để lo bữa ăn cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, sau 2 tháng tích cực làm việc thiện nguyện nơi tâm dịch, anh không may nhiễm Covid-19 rồi qua đời.
Sự ra đi của anh khiến nhiều người xót xa, thương tiếc nhưng trên hết là biết ơn và khâm phục.
Sau khi anh mất, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chia buồn đến chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, vợ của anh Vũ Quốc Cường. Trong thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: những việc làm thiện nguyện cao đẹp của anh Cường như những bông hoa sen sẽ tiếp tục tỏa hương thơm, nhắc nhở và khơi dậy hơn nữa những trái tim nhân ái, những lẽ sống cao đẹp, cống hiến vì cộng đồng và xã hội.
Những hành động đẹp ấy, những sự hy sinh cao cả ấy, hơn ngàn vạn lời nói, gửi đi thông điệp nhân văn, lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái và trách nhiệm chung tay gánh vác khi đất nước có khó khăn của người Việt Nam.
Thế nhưng, buồn thay và cũng đáng giận thay, vẫn có những kẻ lợi dụng lúc khó khăn để trục lợi hay có những hành vi thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm gây hệ lụy cho cộng đồng, thậm chí là có lời nói, việc làm phá hoại thành quả chống dịch. Đã có không ít “anh hùng bàn phím” tự cho mình cái quyền phán xét, chê bai, bỡn cợt hình ảnh những người lính đang bất chấp mọi khó khăn, gian khổ để mang từng bao gạo, túi thực phẩm đến với người dân …Thậm chí, trong lúc nước sôi lửa bỏng, lại có những người rảnh rỗi, đăng ký nhờ “đi chợ hộ” chỉ với lý do "đặt thử xem có đi mua thật không?". Đáng chê trách hơn, được cứu trợ, giúp đỡ, có người lại đang tâm lấy quá số lương thực cần thiết hay giữ lại bình oxy cho cá nhân mà không nghĩ đến nhiều trường hợp khác đang thực sự khó khăn, cần mà chưa nhận được sự hỗ trợ…Siết chặt giãn cách ở một số tỉnh, thành phố, lực lượng chốt gác phải làm việc ngày đêm thì lại có không ít trường hợp làm giả giấy tờ đi đường, chống đối người làm nhiệm vụ, vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn chống dịch…
Tình hình dịch bệnh hiện tại đang là lúc nước sôi lửa bỏng, không có chỗ cho những thái độ, hành vi bỡn cợt, vô ý thức, thiếu trách nhiệm. Đã có hàng nghìn người ở lực lượng tuyến đầu bị lây nhiễm và nhiều trường hợp tử vong. Những người tình nguyện làm công tác thiện nguyện cũng đã phải chịu những hiểm nguy, tổn thất như trường hợp ca sỹ Phi Nhung bị nhiễm bệnh phải nằm viện hay anh Vũ Quốc Cường đã qua đời vì Covid-19. Mới đây nhất, chúng ta thật cảm kích trước hành động của người chiến sỹ công an trẻ hỗ trợ sản phụ “vượt cạn” thành công ngay trên đường phố Sài gòn. Nhưng đằng sau đó, cũng lại có chút bùi ngùi khi biết anh đã phải 3 tháng xa nhà vì nhiệm vụ và ngày về còn chưa thể hẹn khi dịch bệnh vẫn còn căng thẳng.
Trong chiến tranh, khi tất cả hướng về tiền tuyến, dành cho tiền tuyến thì mọi hành vi ích kỷ, trục lợi, bôi nhọ, phản bội…bị cả xã hội lên án gay gắt. Giờ đây, dịch bệnh với biến thể nguy hiểm, khó lường, cần sự chung sức đồng lòng của tất cả người dân, mà trước hết, là thái độ tích cực, có trách nhiệm vì mục tiêu chung đẩy lùi dịch bệnh. Vì thế, không chỉ các hành vi vi phạm cần bị xử phạt nghiêm mà mọi lời nói, hành động thiếu xây dựng, gây chia rẽ, làm hoang mang dư luận… cũng cần được dư luận lên án, tẩy chay.
Vì cộng đồng, Anh Vũ Quốc Cường đã ra đi, gia tài anh đề lại cho vợ con không có gì ngoài tấm lòng nhân đức bởi mọi tài sản anh đã dồn hết cho việc thiện nguyện. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ví những việc làm tốt đẹp của anh Vũ Quốc Cường đẹp như những đóa sen thơm ngát. Hương thơm của đóa sen ấy không chỉ có sức mạnh lan tỏa những việc làm ý nghĩa mà còn khiến những “tanh hôi” vị kỷ, toan tính… phải hổ thẹn cúi đầu./.