Tham dự buổi làm việc có đồng chí Phan Đình Trạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các cơ quan gồm: Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước; một số thành viên Thường trực Tổ Biên tập là chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước...
Về phía VKSND tối cao dự buổi làm việc có đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Tạ Quang Khải, đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng; Kiểm sát viên VKSND tối cao; Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội cùng thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao…
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập Đề án đã báo cáo về một số nội dung của Đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSND.
Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao; Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội, thủ trưởng một số đơn vị thuộc VKSND tối cao trao đổi, thảo luận những nội dung trong dự thảo Đề án; đồng thời nghe ý kiến phát biểu của thành viên Tổ Biên tập làm rõ một số nội dung có liên quan.
Nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận các vấn đề về một số nội dung của Đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSND, đồng thời gợi mở, đề xuất một số giải pháp.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận những kết quả quan trọng của VKSND trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp 2013. Đồng thời, Chủ tịch nước đề nghị VKSND cần tiếp tục đổi mới hoạt động một cách thận trọng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại buổi làm việc. |
Chủ tịch nước cũng lưu ý việc xây dựng Đề án phải gắn với thực tiễn Việt Nam, nghiên cứu, xem xét, tiếp thu mô hình Viện kiểm sát, Viện công tố các nước trên quan điểm không bảo thủ, nhưng có chọn lọc, theo đúng nguyên lý của định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao quà lưu niệm cho tập thể Lãnh đạo VKSND tối cao. |
Chủ tịch nước cho rằng những vấn đề phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 chứa đựng các ý nghĩa nhân văn, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, lợi ích đất nước cần tiếp tục xem xét, đưa vào dự thảo Đề án, đồng thời yêu cầu tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ một số vấn đề lớn liên quan đến chức năng, quyền hạn quan trọng trong bộ máy Nhà nước được quy định trong Hiến pháp, những vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSND là vấn đề rất lớn, còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên cân nhắc phương án lựa chọn để Ban Chỉ đạo tiếp tục thảo luận, xem xét.
Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Tổ biên tập xây dựng dự thảo Đề án tổng hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu các ý kiến bảo đảm những nội dung chỉnh sửa có căn cứ lý luận khoa học, tính thực tiễn, lập luận đầy đủ, rõ ràng, thuyết phục, từ đó hoàn thiện dự thảo Đề án báo cáo Ban Chỉ đạo tại phiên họp thứ tư.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Chủ tịch nước tin tưởng và mong rằng, thời gian tới VKSND tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật để góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.