Theo TTXVN, khoảng 6 giờ sáng 26-11 theo giờ địa phương, tức khoảng 12 giờ trưa cùng ngày theo giờ Việt Nam, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Geneva, TP Geneva, bắt đầu thăm chính thức Liên bang Thụy Sỹ theo lời mời của Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Geneva, bắt đầu thăm chính thức Thụy Sỹ - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Sân bay quốc tế Geneva - Ảnh: TTXVN

Đón Chủ tịch nước và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay quốc tế Geneva có đại diện Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Thụy Sỹ bên cạnh Liên Hiệp quốc tại Geneva và chính quyền bang Geneva.

Về phía Việt Nam có Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ.

Việt Nam và Thụy Sỹ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11-10-1971. Trong chặng đường 50 năm qua, Việt Nam và Thụy Sỹ đã dày công vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước không ngừng phát triển tích cực trên mọi mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển và giáo dục đào tạo.

Thụy Sỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 của ASEAN và thứ 19 của Việt Nam với khoảng 2,2 tỷ USD đầu tư trực tiếp. Hơn 100 doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động tại Việt Nam và giúp tạo ra 20.000 việc làm ở các lĩnh vực khác nhau. Kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 3,5 tỉ USD trong năm 2020, giảm 11% so với năm trước đó do ảnh hưởng bởi đại dịch.

Hai quốc gia ở hai châu lục Á - Âu cũng thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Geneva, bắt đầu thăm chính thức Thụy Sỹ - Ảnh 2.

Đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Sân bay quốc tế Geneva. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ chuyến thăm Thụy Sỹ kéo dài đến ngày 29-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ Guy Parmelin và hội kiến Chủ tịch Hội đồng quốc gia Andreas Aebi.

 

Tại Geneva, trung tâm của các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, Chủ tịch nước sẽ gặp Tổng Giám đốc văn phòng Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Tổng Giám đốc WHO, Tổng Giám đốc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Ngoài các hoạt động chính thức do Chính phủ Thụy Sỹ tổ chức, lãnh đạo các bang Bern và Geneva cũng đang thu xếp dành sự tiếp đón trọng thị nhất đối với Chủ tịch nước và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan, chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo ra xung lực chính trị mới để hiện thực hóa tiềm năng to lớn, đưa quan hệ hợp tác song phương lên một tầng nấc mới.

Điểm nhấn trong chuyến thăm lần này có lẽ là Chương trình Diễn đàn doanh nghiệp cấp cao (Business Summit) dưới sự đồng chủ trì của Chủ tịch nước và Tổng thống Thụy Sỹ, sự tham dự của Lãnh đạo các Bộ Kinh tế, Thương mại, Đầu tư cùng đông đảo các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hàng đầu của Thụy Sỹ và Việt Nam. Dự kiến tại đây, Chủ tịch nước sẽ chứng kiến Lễ ký kết một số biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các doanh nghiệp hai nước, bằng chứng của những kết quả hợp tác tích cực giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Ivo Sieber cũng đã chia sẻ kỳ vọng của mình về những cơ hội sẽ mở ra giữa hai nước qua chuyến thăm.

Ông cho biết Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin rất mong đợi được tiếp đón Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kể từ sau cuộc gặp bên lề Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 76 tại New York (Mỹ) vào tháng 9.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra đúng thời điểm để hai nước thể hiện ý chí chính trị và quan tâm thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, và Liechtenstein).

Một FTA cho toàn khối kết hợp với các FTA mà Việt Nam ký kết riêng lẻ với các nước EFTA gần đây, rõ ràng sẽ nâng cao cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế song phương, mang lại cơ hội xuất khẩu mới cho doanh nghiệp hai nước và tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt khi một khuôn khổ được thể chế hóa và các biện pháp bảo vệ pháp lý hiệu quả cho các nhà đầu tư là những yếu tố cân nhắc quyết định đối với bất kỳ nhà đầu tư nào quan tâm đến việc đầu tư nước ngoài.

Dương Ngọc