Sáng 14-9, tiếp tục phiên họp thứ ba, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước.

Làm rõ việc dùng quỹ cải cách tiền lương chi cho xây dựng cơ bản

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh mục tiêu chung của kiểm toán 2022 vẫn phải lấy tăng cường củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lên hàng đầu.

“Vấn đề đảm bảo kỷ luật kỷ cương về tài chính ngân sách, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo an toàn bền vững của nợ công, việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu trong tổ chức tín dụng...”- ông Huệ lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị kiểm toán việc sử dụng các nguồn lực cho chống dịch - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải tập trung làm rõ tổng mức cơ cấu, chất lượng của tín dụng.

“Tín dụng mà chỉ nói tổng mức cũng chưa phản ánh gì nhiều. Cơ cấu các hình thức tín dụng thế nào? Trong đó còn có cơ cấu theo khách hàng. Chỉ cần một khách hàng, tập đoàn, doanh nghiệp nợ quá nhiều, lâm vào tình trạng đổ vỡ sẽ tạo tác động dây chuyền...”- ông Huệ nêu quan điểm và cho rằng nếu vay nhiều quá, nợ nhiều quá, dòng tiền ách tắc sẽ gây hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ mức tín dụng liên quan đến việc cho vay chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng. Có hay không việc sử dụng tín dụng tiêu dùng cho mục đích kinh doanh chứng khoánbất động sản?

Ông cũng cho rằng cần làm rõ việc nóng lên cả năm nay của thị trường chứng khoán và cơn sốt bất động sản hồi đầu năm 2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cảnh báo việc nợ xấu có xu hướng tăng lên do tác động của tình hình dịch COVID-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; nợ xấu cho vay BOT, nhất là quốc lộ 1A…

Ông cũng yêu cầu làm rõ thêm việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, mức độ, tiến độ thế nào trong khi giải ngân đầu tư công rất thấp.

“Đầu tư công 8 tháng mới được hơn 40%, nhất là ODA rất thấp. Trong khi phát hành trái phiếu phải trả lãi. Tiền để đấy nhưng không giải ngân, không tiêu được”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ việc sử dụng quỹ dành cho cải cách tiền lương để chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong khi nguồn sử dụng cho cải cách tiền lương chưa đảm bảo.

“Thẩm quyền, trách nhiệm thế nào? Phải làm rõ ra. Các đồng chí nói còn đủ nguồn để cải cách tiền lương nhưng ai chịu trách nhiệm về câu còn đủ nguồn ấy? Các đồng chí phải làm rõ cái này ra trong mục tiêu kiểm toán”- ông Huệ nói thêm.

Liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây là “vấn đề rất nóng”, khi Bộ Tài chính liên tục cảnh báo về trái phiếu doanh nghiệp.  

 

Đánh giá việc thực thi các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch COViD-19.

“Mục đích sử dụng và hiệu quả của nó thế nào? Chúng ta là nước nghèo, chống dịch phải hiệu quả nhưng chi phí thấp, phải tiết kiệm chi phí. Mà cái này có thể phải trường kỳ kháng chiến chứ không phải ngày một, ngày hai. Mẫu đơn, mẫu gộp thế nào, test nhanh thế nào, một mẫu PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vaccine nhiều”- ông Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, từ tài lực, nhân lực, vật lực là đúng. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhưng sử dụng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, kể cả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội huy động được.

Trọng điểm kiểm toán của năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá việc thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, xem quy định có hợp lý không, tổ chức thực hiện thế nào, có đúng mục đích không?

“Vừa rồi sử dụng nguồn lực rất nhiều nhưng đối tượng nào được hưởng?  Cách thức sử dụng và mục tiêu sử dụng thế nào? Chính sách rất ưu việt nhưng quá trình thực thi có thể có những chính sách chưa phù hợp hoàn toàn. Quá trình thực hiện có trục lợi chính sách hay không thì phải chỉ rõ ra”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về công tác đầu tư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chú trọng kiểm toán công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kể cả Trung ương và địa phương.

“Theo số liệu sơ bộ, khả năng năm 2021 có khoảng 80 nghìn tỉ vốn đầu tư không tiêu được, tức là chưa có đối tượng phân bổ”- Chủ tịch Quốc hội nói và dẫn chứng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030  hiện chưa phân bổ được đồng nào.

“Đầu tư công vừa rồi còn 70, 80 dự án lớn chưa có chuẩn bị đầu tư”- Chủ tịch Quốc hội nói tiếp và đánh giá đây là khuyết điểm.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hết sức cân nhắc kiểm toán các dự án dở dang, nhất là dự án có yếu tố nước ngoài. “Nửa chừng mình vào kiểm toán, đưa ra những ý kiến kiến nghị đề xuất, lại liên quan đến cơ chế tài chính trong nước và ngoài nước, nếu vướng mắc không giải quyết được thì tác động rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Nên chăng những cái đó cứ để làm cho xong đi rồi mình vào kiểm toán một thể”- ông Huệ nói.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho hay tổng hợp sơ bộ đến 31-8-2021 đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỉ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật .

Trong 8 tháng đầu năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 151 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương rtình công tác. 

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, các đơn vị đã thực hiện 30.834 tỉ đồng, đạt 49,9% số kiến nghị, thấp hơn cùng kỳ năm trước (55,9%).  Lý giải về nguyên nhân, Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều đơn vị Kiểm toán Nhà nước không kiểm tra trực tiếp theo dự kiến.