Chung tay đưa cuộc sống trở lại bình thường13/09/2024 - 07:56:00 Khi lũ dần rút bớt, với sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, người dân chung tay thu dọn bùn lầy, đổ nát để đưa cuộc sống trở lại bình thường
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại Yên Bái, từ sáng 12-9, mưa đã tạnh, trời nắng. Mực nước trên sông Hồng qua tỉnh Yên Bái đã giảm sâu. Các điểm ngập lụt tại TP Yên Bái nước đã rút dần... Rủ nhau giúp đồng bào Tại nhiều tuyến đường trung tâm TP Yên Bái, do lượng bùn đất đổ về nhiều, có nơi dày 30 - 40 cm nên giao thông bị cản trở. Đường Điện Biên - tuyến đường huyết mạch của TP Yên Bái - đất, bùn, rác thải chất chồng. Trên các con phố trung tâm, người dân cùng lực lượng chức năng khẩn trương dọn dẹp nhà cửa, đường sá sau cơn lũ. Tại các khu vực ngập trọng điểm của TP Yên Bái, người dân khẩn trương sửa chữa, dọn rửa đồ đạc lâu ngày ngập sâu trong nước. Đang dọn bùn ngập đến đầu gối trong con ngõ nhỏ, chị Triệu Thị Nguyệt (trú tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết chị và hơn 20 người cùng xã thuê xe để lên dọn dẹp đường phố sau lũ giúp người dân TP Yên Bái. "Chúng tôi thấy người dân tại TP Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn sau bão lũ nên đã động viên nhau lên đây giúp đỡ mọi người. Bão lũ đi qua, sự tang thương, tổn thất rất nhiều nơi. Chúng tôi mong muốn góp một phần sức lực của mình để người dân bị ảnh hưởng sớm ổn định lại cuộc sống" - chị Nguyệt bày tỏ. Tại khu vực các phường Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, công tác cứu hộ, cứu trợ diễn ra khẩn trương. Nhiều nhà hảo tâm tìm đến, cấp phát những dụng cụ thiết thực để giúp người dân dọn dẹp đống ngổn ngang sau bão lũ, như xẻng, ủng, găng tay… Trong những ngày qua, nhiều trường học ở TP Yên Bái ngập sâu trong nước lũ, cơ sở vật chất bị thiệt hại nặng, học sinh phải nghỉ học nhiều ngày. Ngay khi nước rút, cán bộ, giáo viên cùng các lực lượng khẩn trương dọn dẹp bùn đất, vệ sinh lớp học, trang thiết bị để có thể sớm đón thầy và trò trở lại trường. Huy động tổng lực làm ngày, làm đêm Thị sát công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập lụt tại phường Hồng Hà, TP Yên Bái sáng 12-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, động viên lực lượng đang thu dọn bùn đất, rửa dọn nhà cửa, làm vệ sinh môi trường đường phố. Thủ tướng mong muốn các lực lượng huy động tổng lực về nhân lực, phương tiện, tổ chức làm ngày, làm đêm để cuộc sống của người dân sớm ổn định. Thăm hỏi người dân bị thiệt hại bởi mưa lũ, ngập lụt, Thủ tướng Chính phủ đề nghị bà con đoàn kết, tương thân tương ái, cùng nhau chia sẻ khó khăn, chung tay khắc phục hậu quả. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái và các bộ, ngành, trực tuyến tới các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình, tổ chức, địa phương có người thiệt mạng, mất tích, bị thương và bị thiệt hại do bão lũ, sạt lở đất gây ra. Nhắc lại chỉ đạo chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, trong đó có việc bảo đảm an toàn hồ Thác Bà, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan cùng tỉnh Yên Bái tiếp tục huy động tối đa các lực lượng, máy móc, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất; không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước, không có nhà ở. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục chống sạt lở, di dời người dân khỏi nơi nguy hiểm; triển khai ngay chính sách hỗ trợ nhà ở, đất tái định cư cho người dân bị mất nhà cửa; kiểm tra hiện trạng các ngôi nhà bị sụt lún, sạt lở để bảo đảm an toàn cho người dân trước khi trở lại nhà; khôi phục các cơ sở hạ tầng… Bảo đảm an toàn hệ thống đê, hồ chứa Ngày 12-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện 94 về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đê và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập lụt tại vùng hạ du. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương chỉ đạo các chủ sở hữu, đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện thực hiện quan trắc, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến mưa lũ trên lưu vực; tập trung vận hành điều tiết hồ chứa - nhất là đối với hệ thống hồ chứa thủy điện trên sông Đà, trong đó có hồ chứa thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình - một cách chủ động, khoa học, linh hoạt để cắt, giảm, làm chậm lũ về hạ du. Th.Linh Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong 12 - 24 giờ tiếp theo, mực nước lũ trên sông Thao tiếp tục xuống dưới báo động 1; trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống báo động 1; trên sông Cầu và sông Thương sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên báo động 3; trên sông Hồng xuống chậm dưới mức báo động 2 và trên báo động 1. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo từ ngày 13-9, lượng mưa ở các tỉnh, thành miền Bắc sẽ giảm. Tuy nhiên, lũ quét, sạt lở đất có khả năng diễn biến phức tạp. Theo NLĐ
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|