Chương trình hành động của bà Nguyễn Thị Minh Thu: Quan tâm tham mưu giải quyết các chế độ bảo trợ xã hội18/05/2021 - 16:01:00 Haiduongtv trân trọng giới thiệu chương trình hành động của bà Nguyễn Thị Minh Thu, nhân viên Phòng Quản lý đối tượng, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương (cơ sở 1), ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV ở đơn vị bầu cử số 2 (gồm TP Hải Dương và các huyện Nam Sách, Thanh Hà).
Tôi tên là Nguyễn Thị Minh Thu, sinh năm 1989. Hiện tôi là một nhân viên công tác xã hội làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh. Với 9 năm công tác trong ngành lao động, thương binh và xã hội, bản thân tôi đã trực tiếp quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng những đối tượng bảo trợ xã hội, đó là những trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng, là những người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, những người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng thuộc hộ nghèo, những người thuộc gia đình có công, những người cần được bảo vệ khẩn cấp... Tôi đã đi đến phần lớn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để tìm hiểu, nắm bắt thông tin về tình hình đời sống và an sinh xã hội của người dân, đồng thời hướng dẫn nhân dân thực hiện những thủ tục cần thiết để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các chế độ bảo trợ xã hội. Bản thân tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Đây là niềm vinh dự to lớn nhưng tôi cũng ý thức rằng đó là trách nhiệm nặng nề khi trở thành người đại biểu dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, cùng nhân dân nói lên tiếng nói chung, để từ đó kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết; là cầu nối giữa nhân dân với chính quyền các cấp, các ban, ngành. Với nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội, với những hiểu biết của bản thân về địa phương nơi mình ứng cử, với cương vị công tác của mình hiện nay, tôi mong muốn được trở thành một đại biểu Quốc hội. Là một nhân viên công tác xã hội làm việc trong ngành lao động, thương binh và xã hội - ngành có nhiệm vụ chăm lo cho nghề nghiệp, việc làm, đời sống và an sinh xã hội của người dân, tôi rất vui mừng và vinh dự nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH. Tôi nguyện đem năng lực và tâm trí để theo đuổi và thực hiện chương trình hành động về an sinh xã hội và bình đẳng giới với những nội dung chủ yếu sau đây: Thứ nhất, về vấn đề an sinh xã hội: Từ nhiều năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới (1986) đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững. An sinh xã hội được xác định là một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bảo đảm an sinh xã hội là điều kiện để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường, phản ánh bản chất tốt đẹp của chế độ. Đó là lý do vì sao tôi tâm huyết, gắn bó với vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này chưa đáp ứng các yêu cầu: bảo đảm để người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu nhập thấp, người khuyết tật, người nghèo…), bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin). Với hiểu biết của mình, tôi sẽ tập trung kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan Trung ương có chính sách thỏa đáng đối với các vấn đề an sinh xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội tham gia hỗ trợ cho nhóm người yếu thế. Thứ hai, về vấn đề bình đẳng giới: Là một phụ nữ trẻ, đồng thời nếu được là ĐBQH, tôi có thêm điều kiện để thể hiện quan điểm cũng như hành động nỗ lực vì sự phát triển toàn diện, bền vững của phụ nữ. Bởi khi phụ nữ được phát triển toàn diện, quyền lợi của phụ nữ được bảo đảm thì sẽ có điều kiện chăm sóc gia đình và trẻ em. Tôi cũng sẽ tham dự đầy đủ các kỳ họp, tranh thủ nghiên cứu và phát biểu có chất lượng trên diễn đàn của Quốc hội một số vấn đề như tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; đề xuất xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề, khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để phụ nữ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, quá trình phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất còn lâu dài với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải có nhiều nỗ lực cả trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình để phụ nữ, trẻ em gái ngày càng có nhiều cơ hội tham gia, thụ hưởng một cách công bằng tất cả các thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đặc biệt, là một nữ đại biểu, tôi sẽ cố gắng sắp xếp công việc gia đình, nhờ sự hỗ trợ của người thân để cá nhân có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ của một đại biểu dân cử. Tôi sẽ cố gắng trau dồi kiến thức, tích cực học hỏi và nghiên cứu đồng thời dành nhiều thời gian tiếp xúc với cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri. Tôi quan tâm giám sát quá trình triển khai pháp luật ở địa phương, tham gia cùng chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề về kinh tế-xã hội, nhất là các vấn đề liên quan đến cuộc sống người dân. Tôi nguyện nỗ lực hết sức mình để thực hiện chương trình hành động nêu trên đạt kết quả cao nhất.
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|