Chương trình hành động của ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số18/05/2021 - 15:53:00 Haiduongtv xin trân trọng giới thiệu chương trình hành động của Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Phòng Cơ yếu - Công nghệ thông tin Văn phòng Tỉnh ủy, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV ở đơn vị bầu cử số 1 (gồm TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành).
Được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là niềm vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao trước cử tri. Tôi nhận thức sâu sắc rằng Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri để thực hiện quyền lực tại Quốc hội.
Xuất phát từ vai trò, chức năng của Quốc hội, với nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, tôi xin báo cáo chương trình hành động của mình nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV như sau: Một là, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu tình hình trong tỉnh, trong nước và thế giới, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị và kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đại biểu nhân dân trước Quốc hội và cử tri. Hai là, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri bằng nhiều hình thức, nhằm lắng nghe, thu thập ý kiến của cử tri, phân tích thông tin và phản ánh trung thực, kịp thời đến Quốc hội, cơ quan, tổ chức và người có thầm quyền xem xét, giải quyết. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến những vấn đề, lĩnh vực mà cử tri đang rất quan tâm như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường; đô thị hóa; xây dựng nông thôn mới nâng cao; việc làm; bảo đảm an sinh xã hội… Ba là, thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật, các nghị quyết của Quốc hội, các văn bản dưới luật, trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Quốc hội những giải pháp nhằm xây dựng chính sách được sát, đúng với tình hình, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong thực tế. Đồng thời, tích cực nghiên cứu đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bốn là, tham dự đầy đủ các buổi tiếp công dân theo kế hoạch của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, tích cực nghiên cứu đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để chuyển, kiến nghị cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân theo quy định của pháp luật. Năm là, với cương vị là Trưởng Phòng Cơ yếu-Công nghệ thông tin của Văn phòng Tỉnh ủy, tôi luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực đề xuất Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy và hoạt động của các cơ quan Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Xây dựng đồng bộ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số thực sự trở thành động lực quan trọng, quyết định thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu gồm: 1. Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của tỉnh. Xây dựng và phát triển thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, tháo gỡ giới hạn về địa lý trong kết nối thương mại đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. 2. Ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng các quy định pháp luật, các cơ chế chính sách theo hướng bảo đảm tính khả thi cao, sát với tình hình thực tiễn; tăng cường phân cấp cho các địa phương; giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường mạng thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện công khai minh bạch các thủ tục hành chính và thực thi công vụ để nhân dân cùng giám sát, thực hiện. 3. Tăng cường đầu tư số hóa các sản phẩm văn hóa, lịch sử đặc trưng của địa phương, của tỉnh; xây dựng hình ảnh, văn hóa con người Hải Dương thân thiện, văn minh và có trách nhiệm trên không gian mạng. Từng bước triển khai xây dựng các cấu phần của đô thị thông minh, như hệ thống giám sát an ninh thông minh, giao thông thông minh, số hóa các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, giáo dục, y tế, văn hóa… tiến tới xây dựng các khu dân cư thông minh, thành phố thông minh, xã nông thôn mới thông minh, khu công nghiệp thông minh… Với trách nhiệm được giao, cùng với kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo và những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác, nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, tôi sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình cũng như nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội.
Theo Báo Hải Dương
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|