Chiều 14-6, tại buổi tọa đàm về truyền thông y tế, Bộ Y tế cho biết căn cứ tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam và theo khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế đã đề xuất điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B với 3 lý do. 

Chuyển COVID-19 từ nhóm A sang B: Người bệnh cùng chi trả viện phí - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trao đổi với báo chí về tình hình dịch COVID-19

WHO cho rằng SARS-CoV-2 (virus gây ra bệnh COVID-19) vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc và tỉ lệ tử vong giảm mạnh, tương đương hoặc thấp hơn tỉ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B trong 5 năm gần đây như: Sốt xuất huyết, sốt rét, bạch hầu, ho gà… 

Đồng thời đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là virus SARS-CoV-2 và bệnh COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Theo Bộ Y tế, ngày 3-6 vừa qua, tại phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất đủ điều kiện chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B. Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

 

Trả lời câu hỏi về chi phí điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết khi chuyển COVID-19 từ nhóm A sang B người dân sẽ không được điều trị miễn phí. Người có BHYT sẽ được BHYT thanh toán. "Phương thức điều trị sẽ vẫn được thực hiện như thời gian qua, tuy nhiên người mắc COVID-19 sẽ cùng chi trả với BHYT theo quy định" - Thứ trưởng Hương nói. 

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết hiện Bộ Y tế đang cùng các bộ, ngành chỉnh sửa quy định về giám sát chuyên môn để ký ban hành khi Thủ tướng ký quyết định chính thức chuyển COVID-19 từ nhóm A sang B.

Bộ Y tế cho biết từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 6, số ca mắc giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022. Cả nước ghi nhận 20 ca tử vong do COVID-19, tỉ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02% (năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%). "Tỉ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện thấp hơn, tỉ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B" - Bộ Y tế nhận định.

Đến nay, Việt Nam đã tiêm hơn 226 triệu liều vắc-xin COVID-19. Tỉ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới và tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới.

Ông Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế, cho biết tới đây Bộ Y tế sẽ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình hiện nay; hoàn thiện hướng dẫn triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19; lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp... Bộ Y tế cũng đề nghị địa phương rà soát tình hình dịch tại địa phương và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.