Chuyên gia: EVN là doanh nghiệp Nhà nước nhưng lỗ ròng rã thì ai dám đầu tư vào ngành điện06/12/2024 - 14:07:00 Đó là vấn đề được PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt ra khi bàn về kinh tế thị trường tại Diễn đàn "Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh", ngày 6/12.
Theo ông Thiên, chuyển sang kinh tế thị trường, điều quan trọng nhất là bàn về cơ chế cạnh tranh, bởi đây là điểm mấu chốt chênh lệch giá. "Giá có dựa trên nguyên tắc cạnh tranh không, có được xác định theo nguyên tắc cạnh tranh hay không, sẽ quyết định toàn bộ cấu trúc, hiệu quả của cơ chế thị trường", ông Thiên nói và nhấn mạnh, thị trường càng cạnh tranh thì hiệu quả kinh tế thị trường càng cao. Để biện chứng cho lập luận của mình, ông Thiên lấy ví dụ về giá gạo và giá điện. Ông nói: EVN lỗ ròng rã từ năm ngoái đến nay. Riêng sản xuất kinh doanh điện vẫn còn lỗ khoảng 34.000 tỷ đồng - khoảng 1,3-1,4 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra "EVN là một doanh nghiệp Nhà nước, được bao bọc, che chắn nhiều, chịu trách nhiệm – hay bị gắn mác độc quyền, mà lỗ như vậy thì liệu ai dám đầu tư vào ngành điện?". Trong khi đó, điểm cốt lõi của cải cách thị trường Việt Nam năm 1986, bao gồm hai sản phẩm, thuộc loại quan trọng bậc nhất và tối cao là lương thực và năng lượng. "An ninh gồm an ninh lương thực và an ninh năng lượng. Mỗi loại là có một sản phẩm quyết định là gạo và điện thế", ông Thiên nói và cho rằng, vai trò đảm bảo an ninh của gạo và điện thế quan trọng như nhau. Theo ông Thiên, với cách cũ, đảm bảo an ninh lương thực được làm theo cách lo tăng sản lượng tối đa, giữ đất cho sản xuất lúa thật nhiều và làm sao giá lúa thấp. Còn An ninh năng lượng là lo sản lượng điện thấp, EVN được giao nhiệm vụ chính, tức là tạo ra độc quyền. "Cả hai vấn đề an ninh quan trọng đều được làm theo cách tăng sản lượng và giữ giá thấp. Cách trên đều tập trung về phía cung do lo thiếu cung mà không xử lý đến phía cầu, Hệ quả, trước cải cách, hai sản phẩm của an ninh thiếu hụt kinh khủng - không có điện mà cũng không có lúa gạo", với bài học này, ông Thiên cho rằng, đây là những đặc trưng cơ bản cho thấy, nếu ép giá thấp, không theo thị trường sẽ gây ra những căng thẳng về mặt xã hội. Bằng chứng rõ ràng, theo vị chuyên gia, sau khi cải cách, để giá gạo theo thị trường cung – cầu, chúng ta phấn khởi khi "đất nước xuất khẩu ầm ầm, không có nhiều biến động về giá, khẳng định được vị thế…". Nhìn lại vấn đề giá điện, chúng ta để thị trường đầu vào, nhưng lại kiểm soát đầu ra nên vấn đề thiếu hụt điện vẫn căng thẳng. Ngành điện khó khăn. Phân tích về giá điện, dẫn thống kê của trang globalpetrolprices, ông Thiên cho hay, giá điện Việt Nam vẫn còn rẻ so với nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam mức hơn 2.103 đồng/kWh, trong khi một số nước khác như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan lần lượt là 2.133 đồng/kWh, 2.310 đồng/kWh, 2.780 đồng/kWh, 3.273 đồng/kWh. Trong bối cảnh, nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo và Hydrogen trong cơ cấu nguồn điện, ông Thiên khẳng định, cần một cách tiếp cận mới. Theo đó, tách bạch vai trò Nhà nước và thị trường. Trả lại vai trò doanh nghiệp đích thực cho EVN. Như vậy, cần nhanh chóng áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần; chủ động kế hoạch điều chỉnh giá điện theo "mùa vụ", trừ trường hợp bất khả kháng. Theo Báo Giao Thông
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|