Từ cuối tháng 6/2023 đến nay, trên cả nước liên tiếp xảy ra hàng chục vụ sạt lở đất đá. Trong số đó, một số vụ gây thiệt hại nghiêm trọng như: Sự cố sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; sạt lở đất đá, đường giao thông và thiệt hại về người, nhà ở, hoa màu ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Đắk Nông, Yên Bái…
Xung quanh vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Tân Văn, chuyên viên cao cấp về địa chất, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để rõ hơn về nguyên nhân dẫn tới các vụ sạt lở đồng thời nhận diện các dấu hiệu cảnh báo trượt lở đất để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra.
Nhận diện “thủ phạm” gây ra sạt lở đất
- Đầu tiên, xin ông cho biết nguyên nhân chính dẫn tới các vụ sạt lở đất liên tiếp ở trên cả nước trong thời gian qua?
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Tân Văn: Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra trượt, sạt lở đất đá liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.
Thứ nhất là do mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm cho đất đá bị bão hòa nước, khiến các sườn dốc trở nên mất ổn định hơn.
Thứ hai là do hoạt động của con người. Thực tế, các hoạt động dân sinh đã góp phần làm trầm trọng thêm các dấu hiệu mất ổn định của các khối đất đá tại những khu vực sườn dốc. Nghiên cứu cho thấy độ ổn định sườn dốc thường do ba nhóm yếu tố quyết định.
Đầu tiên là hình thái sườn dốc (như độ dốc, chiều cao, các chiều dài, rộng). Tiếp theo là tính chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc. Ví dụ ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên - vốn phân bố nhiều đá núi lửa bazan, phong hóa ra thành đất đỏ có chiều dày lớn, tơi xốp dễ bị rửa trôi, bóc mòn, phá hủy kết cấu khi bão hòa nước.
Yếu tố cuối cùng là nước (gồm cả nước mặt lẫn nước ngầm). Các nhà địa chất, địa kỹ thuật thường nói “nước là kẻ thù của sườn dốc.” Thực tế, nước làm cho đất đá tạo nên sườn dốc bị bão hòa, giảm sức bền, tăng trọng lượng của khối trượt tiềm năng, từ đó dễ gây trượt.
Do vậy, những đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày kết hợp với hoạt động dân sinh của con người khiến đất đá tại các sườn núi bị bão hòa nhanh hơn, chính là yếu tố “kích hoạt” trực tiếp gây sạt trượt, nứt đất trong thời gian qua tại nhiều tỉnh, thành phố ở trên cả nước.
- Liên quan tới vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc vừa qua, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng đây là một bài học mới, nguy cơ mới, bởi khu vực sạt lở vốn dĩ không phải là điểm có nguy cơ hay phải di dời khẩn cấp. Ông nghĩ sao về đánh giá này?
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Tân Văn: Đó là đánh gia rất đúng. Tôi cho rằng các hoạt động dân sinh mà thiếu tính toán, thiếu cân nhắc về hậu quả có thể xảy ra càng ngày càng đóng vai trò mấu chốt hơn trong việc gây ra hình thái tai biến địa chất trên.
Phải nhấn mạnh rằng con người ngày càng “lấn sân” tự nhiên, cho nên việc xảy ra sạt lở đất đá do các hoạt động dân sinh (như trường hợp sạt lở nghiêm trọng tại đèo Bảo Lộc, vị trí sạt lở là ở đồi trồng sầu riêng) ngày càng nhiều hơn, cả về số lượng lẫn quy mô.
Mở rộng ra cả nước thì những điểm có địa hình, địa mạo như khu vực xảy ra sạt lở trên là rất lớn. Vì thế chúng ta cần phải rà soát và có biện pháp phòng, chống để giảm thiểu các sự cố tương tự có thể xảy ra.
Đã đến lúc phải đầu tư có trách nhiệm
- Có một điều đáng lưu ý là phần lớn các vụ trượt lở, sạt lở đất đá xảy ra trong những năm qua đều nằm ở những vị trí ngay bên đường giao thông. Ông đánh giá sao về yếu tố này?
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Tân Văn: Đây là vấn đề rất đáng lo ngại và đáng lẽ phải nêu ra từ rất lâu rồi. Các kết quả điều tra, khảo sát về trượt lở trong thời gian qua ở các khu vực miền núi trên phạm vi toàn quốc cho thấy phần lớn các điểm trượt lở, sạt lở đều xảy ra ở dọc theo các tuyến đường giao thông đi qua.
Thực tế, khi thi công các tuyến đường giao thông bắt qua đồi núi đều làm mất chân sườn dốc tự nhiên, từ đó làm gia tăng khả năng xảy ra trượt, sạt lở đất đá. Đáng lẽ, khi thi công công trình, đường giao thông mà làm mất chân sườn dốc tự nhiên, người ta cần phải áp dụng biện pháp gia cố, gia cường các sườn dốc đảm bảo chắc chắn, an toàn, tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp đã không làm.
Thay vào đó, đôi khi người ta chỉ tập trung làm cho được con đường, còn việc gia cố hay khắc phục trượt lở đất ở ven đường tính sau. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế hiện nay, nhất là sau rất nhiều vụ sạt lở đã xảy ra, tôi cho rằng cần phải thay đổi một cách căn bản về cách đầu tư khi triển khai thi công đường giao thông.
Theo đó, khi làm đường giao thông mà bắt buộc phải “xâm hại” đến các sườn dốc tự nhiên thì cần đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện các biện pháp gia cố, gia cường. Việc này, nhà nước, doanh nghiệp cần phải làm bài bản, đầu tư có trách nhiệm để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra do sạt lở đất đá cũng như thiệt hại về người và tài sản.
Ở nhiều nước trên thế giới, khi làm đường giao thông, họ không còn cắt chân sườn dốc mà làm luôn những con đường hầm chạy qua núi. Cách đầu tư này vừa bảo vệ cảnh quan, vừa bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là hạn chế được các rủi ro do tai biến địa chất. Tôi nghĩ Việt Nam chúng ta cũng cần hướng đến phương án này.
Ngày trước có thể điều kiện kinh tế của nước ta còn khó khăn nên bắt buộc phải làm đường theo kiểu ngắn hạn: “Đầu tiên là đạt được mục tiêu thông đường. Tiếp theo là sạt lở đâu mới khắc phục đến đấy.” Còn bây giờ đã đến lúc phải thay đổi, phải đầu tư có trách nhiệm, bởi chúng ta đã phải chịu quá nhiều bài học đau lòng.
Dấu hiệu nhận biết nguy cơ sạt lở đất
- Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về tai biến địa chất, ông có thể chỉ ra các dấu hiệu nhận biết cũng như cảnh báo, giúp người dân nhận biết về nguy cơ trượt lở đất đá?
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Tân Văn: Thông thường các vết nứt xuất hiện chính là một trong những dấu hiệu đầu tiên của một vụ sạt lở. Tiếp theo là các dòng nước lẫn bùn rỉ ra dưới chân sườn dốc, cây cối trồng trên sườn dốc bị nghiêng đổ.
Theo thời gian nếu vết nứt càng ngày càng lớn, càng dài, càng sâu thì khả năng trượt lở sẽ càng cao. Vết nứt xuất hiện sẽ gây ra tiếng động, vết nứt càng lớn thì tiếng động càng lớn, chính là tiếng nổ mà nhiều người nghe được.
Tại những nơi có địa hình dốc và các hoạt động nhân sinh như san gạt lấy mặt bằng xây nhà cửa, công trình, làm đường sá, làm mất chân sườn dốc sẽ có nguy cơ trượt lở cao khi mưa lớn kéo dài ngày khiến đất đá bị bão hòa.
Thông thường, các sườn núi, sườn đồi tự nhiên sẽ ít xảy ra sạt trượt vì tất cả các quá trình phong hóa, xói mòn, rửa trôi trải qua mưa, nắng, gió hàng ngày, hàng mùa đã xảy ra từ từ, dần dần nên sườn dốc trở nên thoải, đạt đến một góc độ tối ưu, cân bằng, ổn định, ít khi trượt, sạt nữa.
Tuy nhiên, với những khu vực sườn núi tự nhiên có hoạt động nhân sinh tác động vào (như làm đường, mở rộng đường; san gạt, tạo mặt bằng để làm nhà, xây đô thị; chặt cây, đốt rừng để trồng cây ăn quả, làm mất đi lớp phủ thực vật bảo vệ tự nhiên, hay làm ứ đọng nước trên sườn dốc) thì khi đó sườn dốc không còn tự nhiên nữa, rất dễ mất ổn định, nhất là khi mưa lớn kéo dài dễ xảy ra sạt, trượt.
Với sườn dốc nhân tạo như các đoạn đường đất đắp, đất không có kết cấu tự nhiên thì nguy cơ sạt, trượt, nứt, sụt lún đất càng cao hơn.
- Trước thực trạng nêu trên, ông có khuyến cáo gì đến chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân tại các tỉnh miền núi, để hạn chế các rủi ro, thiệt hại do sạt lở có thể gây ra?
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Tân Văn: Nứt đất khi mưa to, kéo dài là một trong những dấu hiệu trực tiếp của sạt, trượt. Do vậy, động thái đầu tiên các địa phương cần thực hiện là di dời người dân ra khỏi khu vực sạt trượt tiềm năng; tiếp đó là cần cử cán bộ kỹ thuật đến quan trắc, giám sát, theo dõi diễn biến của các vết nứt.
Nếu vết nứt tiếp tục phát triển thì khả năng cao là trượt lở sẽ xảy ra. Lúc này, chính quyền địa phương cần căn cứ kích cỡ các vết nứt để dự báo quy mô khối trượt, từ đó thực hiện di dời cho phù hợp, sau đó cân nhắc một số phương án xử lý.
Các nhà khoa học cũng đúc kết nhiều trường hợp xử lý trượt lở và thấy rằng thông thường các giải pháp công trình là rất tốn kém. Nếu bắt buộc vẫn phải xử lý bằng giải pháp công trình thì cần khảo sát, thiết kế và thi công kỹ lưỡng, trong đó thoát nước sườn dốc một cách hiệu quả là vô cùng quan trọng.
Một giải pháp khác là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc san gạt, làm mất chân sườn dốc lấy mặt bằng xây dựng.
Các dự án làm đường rất hay để xảy ra tình trạng này, vì thế ngay từ đầu cần khảo sát, thiết kế, thi công các sườn dốc “nhân tạo” cẩn thận, có tính toán kỹ các hệ số an toàn và có giải pháp gia cường, phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ trượt lở.
Trân trọng cảm ơn ông!