Tỷ giá trung tâm bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước nâng trong 3 phiên gần nhất đã kéo giá USD trên thị trường tăng vọt lên mức cao nhất trong một năm qua. Các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là biến động trong ngắn hạn của VND và trên hết còn cho thấy đồng VND đã mang tính thị trường hơn.
Tăng 110 đồng trong 3 phiên
Ngày 8/12, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm tại 23.237 đồng/USD, tăng tới 27 đồng mỗi USD so với ngày 7/12 và tăng 110 đồng so với cuối tuần trước, phiên tăng mạnh nhất tới 48 đồng.
Trên thị trường, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng khá mạnh trong vài phiên trở lại đây. Ngân hàng Vietcombank đang niêm yết giá mua và bán USD ở mức 22.930-23.200 đồng, tăng khoảng 260 đồng so với cuối tuần trước.
Tương tự, ngân hàng BIDV cũng tăng 250 đồng, hiện đang giao dịch quanh mức 22.950-23.190 đồng/USD; Vietinbank tăng 210 đồng, hiện đang giao dịch từ 22.950-23.190 đồng/USD; Agribank cũng niêm yết giá bán USD ở mức 23.220 đồng, tăng 350 đồng so với cuối tuần trước.
Tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, đồng bạc xanh cũng ghi nhận xu hướng tăng mạnh trong 2-3 phiên gần đây. Trong số đó, Eximbank niêm yết giá mua và bán từ 22.970-23.180 đồng/USD, tăng 280 đồng. Tương tự, ACB, HDBank, Sacombank… hiện đều niêm yết giá bán USD từ 23.200-23.210 đồng/USD, cũng tăng từ 240-300 đồng so với cuối tuần trước.
Như vậy, sau nhiều tháng liên tục đi xuống thì vài phiên trở lại đây, tỷ giá USD bất ngờ tăng mạnh. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 1 năm qua.
Đồng USD tăng giá do đâu?
Theo các chuyên gia, sự mạnh lên của đồng USD là nguyên nhân chính gây áp lực lên tỷ giá trong nước. Chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với các đồng tiền chủ chốt, liên tục đi lên trong những tuần gần đây.
Đầu phiên giao dịch ngày 8/12 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,01%, đạt 96,31 điểm.
Ngoài ra, đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế tăng khi các nhà đầu tư đánh cược vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh quá trình siết chặt chính sách tiền tệ cũng như việc Fed sẽ nỗ lực giảm bớt việc mua trái phiếu, điều này khiến giới đầu tư ngày càng kỳ vọng về nhiều đợt tăng lãi suất trong năm tới.
Bên cạnh đó, đồng bạc xanh đã duy trì xu hướng đi lên trong tuần thứ 6 liên tiếp sau khi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ vào tháng 11 vượt dự đoán của các chuyên gia. Dự báo, tuần này, thị trường ngoại hối vẫn tiếp tục có thể bị tác động bởi những diễn biến mới xung quanh siêu biến thể Omicron. Số lượng các quốc gia ghi nhận ca nhiễm Omicron đang tiếp tục tăng, nhưng các nhà khoa học chưa biết liệu Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể khác hay không.
Trên thực tế, sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường quốc tế cũng phần nào tạo áp lực lên tỷ giá. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm vào những ngày gần đây có thể là động thái của nhà điều hành nhằm đón đầu xu hướng tăng giá USD cuối năm, tránh tình trạng điều chỉnh đột ngột, gây sốc cho thị trường.
Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết tỷ giá bất ngờ tăng một phần xuất phát từ nhu cầu đột biến để thanh toán cho khoản đáo hạn của một vài tổ chức lớn. Trong khi trước đó, các ngân hàng dự báo tỷ giá giảm nên hạn chế duy trì trạng thái dương ngoại tệ. Nhu cầu đột xuất tăng cộng với việc Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm khiến tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng "xao động."
Chuyên gia Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng đưa ra nhận định diễn biến tăng mạnh của tỷ giá trong những phiên gần đây chủ yếu do ảnh hưởng của tính mùa vụ khi nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa gia tăng dịp cuối năm. Bên cạnh đó, mức chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế (trên 11 triệu đồng/lượng) cũng gây áp lực lên tỷ giá do hiện tượng gom ngoại tệ để nhập khẩu vàng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, đây chỉ là biến động trong ngắn hạn của VND và trên hết còn cho thấy đồng VND đã mang tính thị trường hơn.
“Hiện tại, nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam vẫn duy trì tích cực. Nguồn ngoại tệ đến từ cán cân thương mại thặng dư, dòng vốn FDI giải ngân và dòng tiền kiều hối. Bên cạnh đó, dòng vốn gián tiếp thông qua các thương vụ M&A cũng duy trì khả quan, như trong tháng 11 ghi nhận dòng tiền trị giá khoảng 340 triệu USD từ việc SK Group Hàn Quốc thỏa thuận mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan,” nhóm phân tích của SSI đánh giá.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt 18,1 tỷ USD và giúp nguồn cung-cầu ngoại tệ trên thị trường cân bằng trong những tháng cuối năm.
Đồng tình với các nhận định trên, tiến sỹ Trương Văn Phước - thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng cho rằng việc biến động tỷ giá tăng không có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế vì lạm phát đang ở mức thấp, dự trữ ngoại hối vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ công bố đánh giá Việt Nam tiếp tục đáp ứng các tiêu chí để xác định không thao túng tiền tệ.
Về lo ngại ảnh hưởng của xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đối với biến động tỷ giá, ông Phước cho biết việc bán ròng cũng có nhưng không đáng kể. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể bán nhưng sẽ mua vào, đồng tiền vẫn xoay chuyển nên lượng tiền rút ra khỏi Việt Nam không đáng lo./.