Nhóm chuyên gia Cố vấn Chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO khuyến nghị những người bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng nên tiêm liều thứ ba của những loại vắc xin có trong danh sách được cấp phép sử dụng khẩn cấp (UEL) của tổ chức này.
Lý do mà SAGE đưa ra, là “nhóm đối tượng này ít có khả năng đáp ứng miễn dịch đầy đủ nếu họ chỉ được tiêm theo quy trình cơ bản, do đó có nguy cơ mắc COVID-19 cao”.
SAGE cũng nhấn mạnh các quốc gia nên đặt mục tiêu tối đa hóa tỷ lệ bao phủ hai liều vắc xin, sau đó bắt đầu tiêm liều thứ ba từ những nhóm đối tượng lớn tuổi nhất. Trước đó, những người đứng đầu WHO từng nhiều lần lên tiếng phản đối việc một số quốc gia triển khai tiêm liều tăng cường quá sớm, trong khi nhiều quốc gia khác vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vắc xin.
Đến thời điểm hiện tại, WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho các loại vắc xin của Moderna, Pfizer/BioNTech, Johnson & Johnson, AstraZeneca/Oxford (gồm cả phiên bản của Viện Huyết thanh Ấn Độ và của Hàn Quốc), Sinopharm, Sinovac.
Theo thống kê của Our World in Data, khoảng 6,54 tỷ liều vắc xin ngừa COVID-19 đã được tiêm trên toàn thế giới. Tốc độ tiêm chủng hiện đạt khoảng 22,45 triệu liều/ngày. 47,5% tổng dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng cao thường chỉ tập trung ở các quốc gia phát triển. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vắc xin ở các quốc gia thu nhập thấp mới chỉ đạt 2,5%.
Tuần trước, WHO đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số tất cả các quốc gia vào cuối năm 2021 và 70% dân số vào giữa năm 2022. Với mục tiêu này, WHO sẽ ưu tiên cung cấp vắc xin cho các quốc gia có thu nhập thấp, đặc biệt là các quốc gia châu Phi.