Báo Quốc hội ra mắt ngày 17/12/1945, chủ nhiệm là nhà báo Trần Hữu Tri, trụ sở tại 71 phố Hàng Trống (nay là trụ sở báo Nhân Dân).
Trang nhất của tờ Quốc hội đã đặt câu hỏi với bạn đọc: “Từ đúng hai tháng nay, suốt từ Nam đến Bắc, đâu đâu cũng xôn xao về cuộc Tổng tuyển cử. Các báo chí không ngày nào là không bàn đến cái hệ trọng của Quốc hội. Các nước trong thế giới và quân thù nữa cũng chăm chú dõi theo công cuộc bầu cử tiến hành. Tờ Quốc hội chỉ chuyên nói về Tổng tuyển cử và chỉ nói đến ngày Tổng tuyển cử thôi, có lẽ thừa chăng? Bởi người ta đã nói nhiều rồi".
Đặt câu hỏi xong, báo nêu mục đích ra đời được xác định ngay trong trang nhất như sau:
“1 - Định rõ giá trị cuộc Tổng tuyển cử đối với ngoài nước và trong nước;
2 - Giải thích thể lệ Tổng tuyển cử cho người công dân Việt Nam hiểu quyền hạn và bổn phận của mình trong khi chọn và cử người đại diện vào Quốc hội;
3 - Giúp các bạn ứng cử một cơ quan vận động chung, để giới thiệu thành tích, khả năng và chương trình của mình”.
Mỗi số báo Quốc hội đều có những lưu ý rất cụ thể đối với cử tri như: Phải đòi cho được phiếu bầu cử; Hôm nay toàn thể đồng bào trong thành Hà Nội hãy tự tay mình viết lên tường, lên giấy câu này: 23/12/1945 Đi bầu cử; Tên bạn đã ghi vào danh sách cử tri ở Trụ sở Ủy ban khu phố chưa?
Ban đầu, cuộc Tổng tuyển cử dự kiến được tổ chức vào ngày 23/12/1945. Nhưng sau đó, ngày bầu cử được lùi lại 2 tuần lễ, ấn định là 6/1/1946. Báo Quốc hội thông tin và hướng dẫn cử tri cả nước: Cuộc Tổng tuyển cử hoãn đến 6/1/1946, các bậc tài đức mau mau ghi tên ứng cử thêm; Muốn giữ vững độc lập phải đi bầu cử; Mỗi lá phiếu của chúng ta là một viên đạn để diệt quân thù; Thận trọng trong lá phiếu của mình để bỏ cho người tài đức…
Báo Quốc hội cũng có những bài viết nêu cụ thể người dân phải làm gì trước và trong ngày Tổng tuyển cử như: Phải xem mình đã đủ tuổi 18 hay chưa? Chuẩn bị lựa chọn những người đại diện cho mình như thế nào? Phải ra trụ sở Ủy ban nhân dân làng hay khu phố xem trong danh sách có tên mình chưa, chưa có thì đề nghị bổ sung; Xem những người ra ứng cử là ai; Lúc nào thì nhận thẻ cử tri; Nhắc nhau như thế nào trong cuộc Tổng tuyển cử; Lúc đến bầu thì phải làm những gì? Phải giám sát những người có trách nhiệm tổ chức cuộc bầu cử như thế nào? Viết tên như thế nào…
Đối với những người ra ứng cử, báo Quốc hội có nhiều bài phỏng vấn, nhiều bài giới thiệu về những người ra ứng cử để cử tri nắm bắt được, như: Bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ứng cử ở Bắc Ninh, phỏng vấn nhà tư sản Đỗ Đình Thiện ứng cử ở Hà Nội; bài giới thiệu cụ Bùi Bằng Đoàn ra ứng cử ở Hà Đông (cụ trúng cử và trở thành Trưởng ban Thường trực Quốc hội từ tháng 11/1946 đến khi qua đời năm 1955).
Báo Quốc hội cũng đăng danh sách những người ứng cử ở các tỉnh thành để cử tri biết và tìm hiểu về các đại biểu ứng cử ở địa phương của mình để cho cử tri lựa chọn người mà họ sẽ bầu vào Quốc hội.
Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội diễn ra. Báo Quốc hội ra số đặc biệt 4 trang kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình cùng lời chào chia tay độc giả: “Báo Quốc hội chỉ ra trong thời kỳ Tổng Tuyển cử. Ngày hôm nay đã là ngày toàn quốc đi bỏ phiếu. Nhiệm vụ của tờ báo tới đây là trọn, và từ mai, báo giới nước nhà cũng sẽ vắng hẳn tiếng một đồng nghiệp, tuy còn non nớt mà đòi ôm một sứ mệnh lớn lao, tuy không yếu mà số ra hạn ít…
Báo Quốc hội nói mấy lời cuối nhưng tin chắc rằng lòng thiết tha yêu nước biểu hiện trong công việc tuyên truyền Tổng tuyển cử bấy nay, đã hòa chung với lòng thiết tha yêu nước của toàn dân, suốt từ Cà Mau đến ải Nam Quan”.
Kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, lật lại những trang cuối của báo Quốc hội, bạn đọc hôm nay thấy được những lời tiên đoán: “Chúng tôi tươi vui mà từ biệt bạn đọc, tin tưởng mãnh liệt ở tương lai Tổ quốc”.
Đúng là tồn tại vẻn vẹn chỉ 15 số song báo Quốc hội có vị trí và ý nghĩa lịch sử to lớn trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam.