Cơ cấu lại các ngành sản xuất12/06/2022 - 19:32:00 Các ngành sản xuất (kinh tế thực) có vai trò quan trọng khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường, khi xảy ra khủng hoảng tài chính,… Do vậy, việc cơ cấu lại các ngành này cần được quan tâm.
Cơ cấu lại lĩnh vực công thương Theo Nghị quyết 54/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, lĩnh vực công thương có 3 chỉ tiêu: tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp chế biến, chế tạo 6,5-7%/năm; số sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế có 5-10 sản phẩm; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân 1-15%/năm. Chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp chế biến, chế tạo là chỉ tiêu rất quan trọng, xuất phát từ vai trò của năng suất lao động, của công nghiệp chế biến, chế tạo. Tốc độ tăng 6,5-7%/năm cao hơn tốc độ tăng chung (6,5%/năm) cũng xuất phát từ vai trò của công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn bộ nền kinh tế, bởi tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo là tiêu chí thể hiện sự chuyển dịch từ nước nông nghiệp sang nước công nghiệp. Có 2 giải pháp chủ yếu để chỉ số tốc độ tăng năng suất lao động cao: nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, tuy đã cao lên trong mấy năm qua, nhưng còn ở mức thấp (22%); tăng tỷ trọng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo thuộc nhóm ngành công nghiệp cao (hiện còn rất thấp - trên 12%), giảm tỷ trọng số doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghệ thấp (trên 56%). Việt Nam hiện có nhiều mặt hàng có kim ngạch đứng thứ hạng cao trên thế giới. Tuy nhiên, số mặt hàng đạt thương hiệu quốc tế của Việt Nam còn rất ít, vì không có thương hiệu riêng, hoặc phải bán qua và mang thương hiệu của bên thứ ba, hoặc của một số tập đoàn đa quốc gia trên thế giới mà đơn vị ở Việt Nam là một chi nhánh, hoặc là đơn vị lắp ráp… Do vậy, để đạt chỉ tiêu 5-10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế , một mặt phải đẩy mạnh tiếp thị với khách hàng ở các thị trường, xây dựng thương hiệu của Việt Nam; quan trọng hơn là tìm mọi cách để nâng cao các tiêu chí của thương hiệu quốc tế, như quy mô mặt hàng, chất lượng, kỹ thuật - công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm... Về chỉ tiêu thứ ba, tiêu dùng năng lượng cuối cùng/GDP (kgOE/1.000 USD) của Việt Nam giảm năm 2017, nhưng đã tăng lên trong 2 năm 2018, 2019. Đây là một trong những yếu tố làm giảm hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Có hai yếu tố tác động là: trình độ kỹ thuật - công nghiệp của thiết bị và việc quản lý, sử dụng năng lượng chưa thật tiết kiệm (tổn thất điện/sản lượng điện năm 2019 còn ở mức 9,54%). Cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp Theo Nghị quyết 54/NQ-CP, cơ cấu lại trong lĩnh vực nông nghiệp có 3 chỉ tiêu. Thứ nhất là số hợp tác xã đến năm 2025 đạt khoảng 35.000, cao gấp 2,5 lần số hiện tại. Một trong những chuyển dịch cơ cấu quan trọng là số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản là 3.000, chiếm khoảng 8,6% tổng số hợp tác xã. Đây là sự chuyển dịch theo hướng chất lượng, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất, tiêu thụ nông sản, tăng cạnh tranh ở trong nước và thị trường quốc tế. Công nghệ cao bao gồm công nghiệp sản xuất giảm thiểu sử dụng hóa chất (từ phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ sản xuất; công nghệ bảo quản, vận chuyển, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm… Thứ hai là tỷ lệ hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp theo chuẩn giá trị đạt 50%. Một trong những nội dung đổi mới, cơ cấu lại hợp tác xã nông nghiệp là liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp về 3 mặt: cung cấp đầu vào (giống, thủy lợi, phân bón, bảo vệ thực vật…); chế biến làm tăng giá trị sản phẩm; tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu, thương hiệu trong nước và quốc tế… Thứ ba là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân ngành nông, lâm - thủy sản 7-8%/năm. Tốc độ tăng này cao hơn tốc độ tăng chung (6,5%) vừa thể hiện tính cần thiết, vừa thể hiện tính khả thi. Tính cần thiết do mức năng suất lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản còn thấp xa, chỉ bằng 37,4% của khu vực công nghiệp - xây dựng và chỉ bằng 39,5% của khu vực dịch vụ. Tính khả thi do số lao động đang làm việc trong khu vực nông, lâm - thủy sản năm 2021 giảm so với năm 2015 (giảm 38,7%), trong khi của khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 34%, khu vực dịch vụ tăng 4,1%. Theo đó, dù tốc độ tăng GDP của khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản thường tăng thấp xa so với các khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, nên tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản có thể tăng cao hơn. Theo Báo Đầu tư
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|