Cơ chế giá điện hai thành phần: Công bằng cho cả khách hàng và ngành điện14/11/2024 - 22:35:00 Theo giới chuyên gia, việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ, cũng như sử dụng nguồn lực hợp lý.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo nghiên cứu cùng nhóm tư vấn về đề án "Nghiên cứu, xây dựng lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần cho các nhóm khách hàng sản xuất và kinh doanh". Đây là đề án Bộ Công thương giao EVN thực hiện. Theo đó, đề án xây dựng hai hệ thống biểu giá là hệ thống biểu giá cơ sở và hệ thống biểu giá áp dụng cho một số nhóm khách hàng cụ thể trong giai đoạn hiện nay. Dự kiến, năm 2025 sẽ áp dụng chính thức. Phức tạp nhưng cần làm ngay! Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, đây là bài toán rất phức tạp "nhưng cần làm ngay". Theo ông Thoả, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng giá điện hai thành phần, chủ yếu cho khách hàng sản xuất, kinh doanh; có nơi áp dụng cho điện sinh hoạt. Trong khi, hiện Việt Nam đang áp dụng biểu giá điện một thành phần, tức là biểu giá điện tính theo điện năng. Còn giá điện hai thành phần bao gồm giá điện theo công suất và điện năng. "Khác nhau ở chỗ, biểu giá điện một thành phần theo điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi về nguyên vật liệu. Còn giá điện hai thành phần bao gồm cả chi phí cố định như chi phí khấu hao tài sản, chi phí sửa chữa, chi phí tiền lương...", ông Thỏa phân tích. Ông Thoả cũng nhận định, biểu giá điện hai thành phần sẽ phản ánh đầy đủ chi phí đầu tư và chi phí vận hành, trên cơ sở đó tiêu dùng điện chi trả để bảo đảm đầu tư đó. Cùng với đó, có tác dụng phát đi tín hiệu để người sử dụng dùng điện biết được rằng mình sử dụng điện như thế nào để điều chỉnh hành vi sử dụng điện cho hiệu quả". Một chuyên gia năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng khẳng định, việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ, cũng như sử dụng nguồn lực hợp lý. Đặc biệt, đối với những khách hàng đăng ký công suất lớn hơn so với nhu cầu sử dụng thực tế, ngành điện sẽ thu hồi được cả chi phí đầu tư. Giá điện hai thành phần, theo chuyên gia trên, sẽ đem lại sự công bằng cho bên sử dụng điện (khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh), thúc đẩy khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Đối với khách hàng sinh hoạt, giá công suất dưới dạng phí công tơ sẽ loại bỏ sự phiền toái do công ty điện lực cắt điện khi không sử dụng điện một thời gian dài. Ngoài ra, với xu thế phát triển năng lượng tái tạo ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ quan trọng trong cơ cấu nguồn điện toàn hệ thống, khi áp dụng giá điện hai thành phần, các khách hàng sử dụng điện (khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh) sẽ cơ cấu lại nhu cầu sử dụng điện hợp lý, tạo sức hút các nhà đầu tư tham gia phát triển điện LNG, thủy điện tích năng... đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Nên áp dụng với khách hàng dùng điện ngoài sinh hoạt trướcĐể thử nghiệm, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý: "Trước mắt, nếu có thay đổi thì thay đổi ở những khách hàng ngoài điện sinh hoạt trước. Các khách hàng hộ gia đình sẽ ở giai đoạn tiếp theo. Nhưng kể cả khi chỉ tác động đến khách hàng phi sinh hoạt cũng là sự thay đổi lớn, có thể ảnh hưởng đến hàng triệu khách hàng. Có lẽ, cần thực hiện cơ chế thí điểm khách hàng mới ở một vài nơi, trong một khoảng thời gian để ghi nhận ý kiến phản hồi". Còn về giá điện, theo đề xuất của đơn vị tư vấn, giá cố định sẽ điều chỉnh theo CPI và giá biến đổi sẽ điều chỉnh theo mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Tuy nhiên, EVN đánh giá, hiện nay giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo cơ chế quy định tại Quyết định 05 năm 2024, nên việc giá cố định hàng năm tự động điều chỉnh là chưa phù hợp. Do đó, EVN đề nghị xem xét theo hướng giá công suất và giá điện năng sẽ điều chỉnh bằng với tỷ lệ điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và phạm vi điều chỉnh là ± 2% so với tỷ lệ tại biểu giá điện hai thành phần (tương tự như tại Quyết định 28 năm 2014). Một chuyên gia thuộc Hiệp hội Năng lượng cho rằng, có thể áp dụng giá công suất hàng tháng thấp hơn chi phí thực cho đầu tư cấp điện mỗi kVA cho khách hàng, sao cho giá điện năng không cần giảm nhiều so với khách hàng chưa áp dụng giá hai thành phần… Theo quy định tại Nghị định 137 năm 2013 và Quyết định số 28 năm 2014, Bộ Công thương có trách nhiệm xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần. Vì thế, với những đề xuất trên, bộ này cho biết sẽ có những đánh giá cụ thể, từ đó, đưa ra đề xuất để xin ý kiến rộng rãi các bên liên quan. Theo Báo Giao Thông
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|