Cơ hội vươn xa cho vải thiều Việt27/05/2021 - 09:45:00 Nhật Bản chính thức mở cửa thị trường nhập khẩu mặt hàng vải thiều tươi của Việt Nam, tình hình xuất khẩu và tiêu thụ quả vải thiều Việt Nam tại thị trường này đang có tín hiệu thuận lợi. Mặc dù tình hình dịch bệnh khá căng thẳng, tuy nhiên, người trồng vải sẽ an tâm hơn khi sản phẩm này đang được thị trường Nhật Bản đón nhận.
Tín hiệu tích cực từ thị trường Nhật bản Đại diện Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại - Sở Công Thương Bắc Giang thông tin: Ngày 26/5, tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang diễn ra Lễ xuất hành lô vải thiều sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản. Có khoảng 20 tấn vải thiều được xuất sang Nhật Bản trong dịp này. Đây là năm thứ 2 trái vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tất cả những lô vải xuất đi Nhật Bản đều được trồng tại vườn được phía Nhật Bản cấp mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn để xuất sang Nhật Bản. Về giá cả, giá thu mua vải xuất khẩu sang Nhật Bản tại vườn nằm trong khoảng 22.000 - 30.000 đồng/kg, tương đương năm ngoái, cao hơn giá thu mua ngoài chợ khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg. Mùa vải năm 2021, toàn Bắc Giang có 30 mã số vùng trồng vải thiều với diện tích gần 220ha, sản lượng ước khoảng 1.800 tấn. Diện tích này tập trung tại các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên. Trước đó, sản phẩm vải thiều Thanh Hà Hải Dương đã chính thức có mặt ở Nhật Bản vào ngày 23/5. Các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị đủ phương tiện vận tải bảo đảm tiêu chuẩn để vận chuyển xuất khẩu 100 tấn vải thiều đầu tiên sang Nhật Bản. Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NNPTNT, năm nay Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản không cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp, mà thay vào đó ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật phía Việt Nam thực hiện việc giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí trong khâu chuẩn bị xuất khẩu, tạo điều kiện cho quả vải thiều sang Nhật Bản được thuận lợi hơn. Cũng trong tháng 3 vừa qua, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang thị trường này và mở rộng tiêu thụ ra các nước khác. Nâng hình ảnh, chất lượng để giữ vững thị trường xuất khẩu Với những kinh nghiệm, kết quả thu được sau năm đầu tiên xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, chính quyền địa phương, các DN xuất khẩu và người nông dân tại các vùng trồng vải lớn đã sớm có sự chuẩn bị cho mùa vụ năm nay. Theo đó, các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã chỉ đạo gia tăng diện tích vùng sản xuất vải cũng như số lượng mã số vùng trồng được phép xuất khẩu sang Nhật Bản, trong khi các DN đầu mối xuất khẩu cũng tăng cường đầu tư các chi phí xử lý, bảo quản quả vải cần thiết để đáp ứng tiêu chuẩn Nhật Bản. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương cũng rất chủ động, hiệu quả trong công tác hỗ trợ xúc tiến bán và xuất khẩu vải thiều. Được biết, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực kêu gọi các sàn giao dịch thương mại điện tử, các đầu mối thu mua trong nước và các DN nhập khẩu nước ngoài tham gia hoạt động giao thương trực tuyến với các đầu mối xuất khẩu tại các Hội nghị xúc tiến xuất khẩu vải thiều do UBND tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang tổ chức. Trong bối cảnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, đã sớm triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh quả vải Việt Nam tại thủ đô Tokyo và nhiều địa phương của Nhật Bản. Bên cạnh đó Thương vụ cũng kêu gọi các DN Nhật Bản quan tâm đầu tư các công nghệ hiện đại giúp xử lý, bảo quản quả vải tươi hiệu quả hơn. “Trong mùa vụ năm nay, các công ty đầu mối xuất khẩu vải thiều đã xây dựng kế hoạch xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi sang Nhật Bản”, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết. Có thể thấy, với việc thị trường Nhật Bản, một thị trường nổi tiếng khó tính, có các tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt, đồng thời người tiêu dùng đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm thực phẩm, việc trái vải thiều của chúng ta được thị trường này đón nhận là một tín hiệu vui, mở ra những cơ hội mới, cũng là giảm áp lực cho bài toán đầu ra nông sản Việt. Dù vậy, theo khuyến cáo của giới chuyên gia, để vững chân được tại thị trường khó tính này, phía Việt Nam cần phải duy trì chất lượng quả vải sạch, đảm bảo giá thu mua, giá bán và giá xuất khẩu ổn định, đồng thời tích cực củng cố và đẩy mạnh nâng cao hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường này. “Trong đó, khâu quảng bá hình ảnh sản phẩm nông sản của Việt Nam tại Nhật Bản là rất quan trọng, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong nước cũng như các hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối tại Nhật Bản để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, giúp cho quả vải thiều được nhiều người Nhật Bản biết tới hơn nữa”, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản nhấn mạnh. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|