Có nên rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu?23/04/2021 - 08:01:00 Đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm trong dự thảo trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Bộ LĐTB&XH đang nhận được sự quan tâm lớn của các chuyên gia cũng như người lao động.
Quy định nhân văn Trong đề xuất về sửa đổi Luật BHXH năm 2014, Bộ LĐTB&XH đề nghị sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, được hưởng BHXH. Đề xuất trên của Bộ LĐTB&XH đã nhận được sự đồng thuận từ phía người lao động. Là công nhân sản xuất linh kiện điện tử, nhưng do sức khỏe yếu nên anh Nguyễn Anh Dũng ở Hà Nội buộc phải nghỉ về chạy Grab kiếm sống. Đang lưỡng lự với quyết định rút BHXH một lần hay đóng BHXH tiếp để hưởng lương hưu. “Thu nhập bấp bênh về già có được đồng lương hưu là mong mỏi lớn nhất không chỉ của tôi mà còn của rất nhiều người. Chính vì vậy, nếu đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống còn 10 năm, hay 15 năm được thực thi sẽ là tin vui cho những người như chúng tôi. Giờ tôi đã đóng được 12 năm, chỉ cần đóng cố một vài năm thì về già sẽ yên tâm hơn” – anh Dũng chia sẻ. Chia sẻ quan điểm về đề xuất của Bộ LĐTB&XH, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, đây là quy định mang tính nhân văn và cần thiết lúc này, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19 nhiều lao động phải dời bỏ thị trường lao động chính thức và buộc phải chọn lựa hưởng BHXH một lần vì số năm phải đóng tiếp BHXH quá dài. Tuy nhiên theo ông Huân đề xuất trên thực chất là để xử lý tình huống đối với những người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội, còn mục tiêu chính của chính sách bảo hiểm xã hội vẫn là phải khuyến khích người lao động đóng tích lũy nhiều năm để sau này có thể hưởng lương hưu với mức cao hơn. Vẫn cần chính sách lâu dài Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016. Hiện quy định điều kiện thời gian để người lao động có thể hưởng chế độ hưu trí là đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Ngoài ra, còn thêm những điều kiện khá chặt chẽ khác nên nhiều người cho rằng, đó là nguyên nhân không thu hút thêm người tham gia bảo hiểm xã hội, và khiến nhiều người đang tham gia BHXH cũng muốn rời bỏ hệ thống trước tuổi nghỉ hưu. Chính vì vậy, theo Bộ LĐTB&XH, sửa đổi này nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Và đồng bộ với việc giảm thời gian này. Theo các chuyên gia lao động, đề xuất giảm thời gian đóng BHXH còn 10 hay 15 năm là phương án rất tốt dành cho người lao động. Đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, việc giảm thời gian đóng BHXH sẽ tác động nhiều đến người lao động. Khi thời gian tham gia BHXH ít do giảm số năm, thì tích lũy ít khiến lương hưu của những người lao động có thu nhập thấp như lao động phổ thông sẽ không đủ để trang trải cho cuộc sống. Chính vì vậy, về lâu dài, cần một chính sách về BHXH có tính chất ổn định, ít thay đổi để tạo niềm tin lâu dài cho người lao động. Đồng thời có những chính sách hỗ trợ để những lao động dời bỏ thị trường có việc làm ổn định từ đó tiếp tục tham gia BHXH. Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH, giảm số năm đóng có những tác dụng tốt song cũng nên cân nhắc thận trọng, vì hiện nay tuổi thọ của chúng ra đang dần cao lên, tuổi nghỉ hưu tăng và thời gian làm việc kéo dài hơn. “Rút ngắn số năm đóng có thể nhìn thấy lợi ngay trước mắt nhưng về lâu dài sẽ không bảo đảm chính sách hưu trí, xu hướng là tăng lên chứ không phải giảm đi, nếu không tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ thấp. Một trong những điều trọng nhất của chính sách hưu trí là bảo đảm được mức sống tương đối cho người già khi về hưu, không còn khả năng lao động. Do đó thời gian đóng ngắn đồng nghĩa với mức hưởng thấp như thế mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của người về hưu sẽ không đạt được”, TS Nguyễn Thị Lan Hương lưu ý. Theo Bộ LĐTB&XH sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia và tầng lớp nhân dân, Bộ sẽ tổng hợp ý kiến để trình Chính phủ dự kiến vào tháng 7 tới. Dự thảo sửa đổi luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua trong các kỳ họp năm 2022 và năm 2023. Thời gian luật có hiệu lực dự kiến từ ngày 1/1/2024. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|