Còn khoảng 40% ca mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện23/03/2024 - 20:22:00 Số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính; như vậy, sẽ có trên 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện và điều trị.
Việt Nam vẫn là “điểm nóng” bệnh lao Tại Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3), đánh giá tình hình bệnh lao tại Việt Nam hiện nay, TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết: "Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp, tốc độ giảm quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao vẫn rất thấp, chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng". Theo Báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh Lao cao. Năm 2018, từ vị trí 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao và 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, Việt Nam đã chuyển lên xếp thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh Lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh Lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Đặc biệt, tại khu vực miền Nam hiện nay tình hình bệnh lao còn rất nặng nề, tình hình phức tạp hơn so với các khu vực miền Bắc và miền Trung rất nhiều. Đơn cử như tại một số tỉnh khu vực Tây Nam bộ như An Giang và Cần Thơ, số ca lao phát hiện và tỷ lệ mắc lao trên dân số năm 2023 lần lượt là 5.467 (270 ca/100.000 dân) và 2.713 (218 ca/100.000 dân); trong một số khu vực, nhóm nguy cơ cao có tỷ lệ mắc bệnh lao rất cao, khoảng 400 – 500 ca/100.000 dân. TS.BS Đinh Văn Lượng cũng lo ngại: Số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính; như vậy, sẽ có trên 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện và điều trị. Đặc biệt, trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Cùng với đó, sự thay đổi về cơ chế chính sách đối với việc cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước cũng gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống cung ứng thuốc của Chương trình Chống lao Quốc gia, thuốc còn tồn tại địa phương có hạn sử dụng ngắn, nguy cơ hết hạn trong khi chưa được phê duyệt cơ chế chính sách, nguồn kinh phí mua sắm thuốc cho đối tượng bệnh nhân lao không có thẻ BHYT, bệnh nhân lao tại các cơ sở chưa đủ điều kiện thanh toán nguồn BHYT. Việc tự chủ về tài chính tại các tuyến cũng ảnh hưởng nhất định tới hoạt động chống lao. Hiện, nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn lúng túng trong công tác phòng chống lao do thiếu nhân lực, thiếu kinh phí; sự phối hợp của y tế công - tư chưa chặt chẽ nên ảnh hưởng đến việc chuyển người nghi mắc lao từ hệ thống các cơ sở y tế ngoài Chương trình chống lao… Cần sự chung tay của toàn xã hội Ngay sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vừa qua, trong năm 2022 - 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, tăng cường chẩn đoán và thu nhận vào điều trị để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giúp phục hồi hoạt động phát hiện bệnh lao sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Việc tăng cường, mở rộng triển khai phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực ở cơ sở y tế, áp dụng chiến lược X-quang và xét nghiệm Xpert để chẩn đoán, đặc biệt là triển khai các hoạt động gắn liền với hệ thống y tế cơ sở đã tăng cường chất lượng chẩn đoán, điều trị và duy trì bền vững công tác dự phòng lao. Để khắc phục những khó khăn về tài chính, Chương trình Chống lao cũng đã chuyển thành công thanh toán thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, cũng như vận động sự hỗ trợ của Bộ Y tế để áp dụng các chính sách hỗ trợ thanh toán các dịch vụ khác về khám chữa bệnh lao qua nguồn quỹ Bảo hiểm y tế một cách thuận tiện và hiệu quả, giúp người bệnh lao có thể dễ dàng tiếp cận các phương án điều trị, ngăn chặn nguồn lây. Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh viện đã xây dựng “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, các bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám chữa bệnh” theo chỉ đạo của Bộ Y tế, nhằm chuẩn hoá và đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp trên toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống lao. Cả nước hiện đã có 51/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi giúp mở rộng công tác chống lao, phát hiện ca bệnh. Theo TS. BSCC Đinh Văn Lượng, trong giai đoạn tới, Bộ Y tế - Chương trình Chống lao Quốc gia sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược, chính sách phù hợp nhằm tăng cường vai trò, phát huy năng lực của hệ thống y tế tuyến cơ sở trong đó có cán bộ làm công tác chống lao. Cùng với đó là các hoạt động phát hiện tích cực, phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chương trình Chống lao Quốc gia và các tỉnh, thành phố sẽ tham mưu, vận dụng có hiệu quả các văn bản, hướng dẫn về tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, khám chữa bệnh, mua sắm thuốc lao sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, áp dụng công nghệ thông tin trong triển khai bệnh án điện tử... Đồng thời, tăng cường công tác huy động nguồn lực bền vững trong nước và quốc tế, triển khai hiệu quả Kế hoạch Chiến lược phòng chống lao nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hướng tới mục tiêu người dân Việt Nam sống trong môi trường không có bệnh lao, gắn trách nhiệm với Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan, địa phương vào cuộc mạnh mẽ. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo việc đánh giá tổng kết các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Quyết định 374 về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; để có tham mưu, rà soát điều chỉnh, bổ sung để đạt mục tiêu thế giới đưa ra. Cùng với triển khai thực hiện chương trình chống lao, Việt Nam cần nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; phải gắn công tác phòng chống lao với y tế tuyến cơ sở; đẩy mạnh tìm kiếm và phát hiện người mắc lao ngay từ trong cộng đồng. Cùng với đó, phải có cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện tốt phòng chống lao ngay từ tuyến cơ sở. Đồng thời, xây dựng được các phương án tài chính bền vững khi về lâu dài nguồn tài trợ cho công tác chống lao sẽ rất khó khăn, cần có chiến lược chuyển đổi phù hợp để đáp ứng tình hình. *Tại Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao cũng diễn ra hoạt động phát động nhắn tin ủng hộ Quỹ hỗ trợ bệnh nhân chiến thắng bệnh lao. Các đại biểu tham dự cùng nhắn tin và hưởng ứng ngay tại chương trình. Theo TTXVN/Tin Tức
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|