Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn đang chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan, triển khai thí điểm chuyển đổi số tổng thể và toàn diện 2 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh để tự động hóa quy trình, giảm thời gian cho doanh nghiệp có phương tiện xuất, nhập cảnh, hàng hóa xuất, nhập khẩu. Đây được coi là bước đột phá chiến lược, tiến tới xây dựng, hoàn thiện bản đồ xuất nhập khẩu toàn quốc.
Hằng năm, cứ vào mùa cao điểm thu hoạch nông sản (từ tháng 5 - 9), tình trạng ùn ứ xe hàng chở nông sản xuất khẩu thường xuyên diễn ra trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Hàng trăm xe phải nằm chờ giữa thời tiết nắng nóng, chi phí bến bãi, tiền ăn nghỉ, tiền dầu để duy trì thùng lạnh… ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí, sức khỏe của đội ngũ lái xe và tiểu thương.
Những vấn đề xảy ra như cơm bữa tại khu vực cửa khẩu như việc phân bổ dòng xe phương tiện vận tải hoàn toàn bằng nhân công gây tắc nghẽn, không kiểm soát được các phương tiện vận tải luân chuyển qua cửa khẩu… cho thấy quy trình, quy định phối hợp giữa các cơ quan liên quan tại khu vực cửa khẩu như Biên phòng, Hải quan, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu… đang dựa trên những công nghệ đã cũ, lạc hậu và cần phải có sự thay đổi. Việc chuyển đổi cửa khẩu số nhằm tháo gỡ những vấn đề bất cập đó.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu, tất cả các cơ quan liên quan như Cảnh sát giao thông, Hải Quan, Biên phòng… đến các doanh nghiệp đều rất mong muốn có một nền tảng cửa khẩu số, để thay đổi cách vận hành, điều hành đang tồn tại.
“Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên đặt mục tiêu và đặt kế hoạch để xây dựng và biến các ý tưởng về chuyển đổi số theo Chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Đây là nền tảng 2 chiều, cũng là nền tảng mẫu sau này cho các cửa khẩu trên toàn quốc để phục vụ minh bạch hóa, giải quyết thời gian thông quan nhanh hơn, tăng hiệu quả kinh tế cho Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung”, ông Lịch nói.
Kế hoạch triển khai thí điểm chuyển đổi số tổng thể và toàn diện cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước; tạo kênh thông tin, kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hoạt động xuất nhập khẩu; Công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn. Quy trình thay đổi để tăng cường khả năng tự động hóa, giảm thiểu các tác động của con người trong các hoạt động tại cửa khẩu; ứng dụng công nghệ số trong quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động tại khu vực cửa khẩu.
Phương án tổng thể chuyển đổi số cửa khẩu được lựa chọn với các giải pháp như xác định, chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ số; sử dụng giải pháp nền tảng công nghệ điện toán đám mây (Cloud); dữ liệu lớn (Bigdata); trí tuệ nhân tạo (AI) để sẵn sàng cài đặt hệ thống phần mềm lõi AI phục vụ nhận diện biển số phương tiện; triển khai tích hợp bản đồ số để theo dõi, điều khiển phương tiện; kết nối dữ liệu camera từ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, Công an thành phố về hệ thống phần mềm lõi…
Tập đoàn VNPT được lựa chọn là đơn vị thực hiện kế hoạch thí điểm chuyển đổi số các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh. Dự kiến, nền tảng cửa khẩu số sẽ được Lạng Sơn khai trương trong tháng 8 tới và sau khi hoàn thành thí điểm, mô hình nền tảng cửa khẩu số có thể được áp dụng với cửa khẩu ở các địa phương khác trong cả nước.
Hiện VNPT Lạng Sơn đã thực hiện xong bước khảo sát, giải xong “bài toán” phân tích hệ thống, và đang tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống phần mềm. VNPT Lạng Sơn cũng chủ động lên phương án để tập huấn, hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị sử dụng nền tảng cửa khẩu số; bố trí phương tiện kỹ thuật, lực lượng hỗ trợ đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, ổn định và sẵn sàng ứng cứu xử lý khi có sự cố xảy ra.
Ông Phan Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, VNPT Lạng Sơn, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho biết, hệ thống cửa khẩu số sẽ được triển khai trên hạ tầng Datacenter của UBND tỉnh Lạng Sơn. “Hệ thống này mới được đầu tư và rất hiện đại, qua khảo sát đáp ứng được khoảng 5.000 người dùng đồng thời truy cập tại 1 thời điểm. Với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi quyết tâm sẽ đưa phần mềm này vào triển khai trong những tuần đầu tiên của tháng 8 tới”, ông Vũ thông tin.
Nếu như trước kia, các loại thủ tục rườm rà, các loại chi phí không chính thức trong hoạt động xuất nhập khẩu… là những rào cản “ngáng chân” doanh nghiệp thì giờ đây, với nền tảng cửa khẩu số, các nhà quản lý, các doanh nghiệp chỉ cần 1 chiếc smartphone, ngồi một chỗ là đã có thể theo dõi được chi tiết, cụ thể lộ trình, quá trình thông quan của phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu.
Khi các cửa khẩu ở các địa phương khác cùng áp dụng nền tảng chuyển đổi số này, sẽ hình thành một bản đồ chi tiết về tình hình xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng và các nhà quản lý, hoạch định chính sách trong việc quản lý, giám sát, điều tiết tình hình xuất nhập khẩu trên toàn quốc. Đây cũng là mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH XNK Khải Lâm cho rằng, nếu chương trình này được triển khai sẽ rất tốt cho các doanh nghiệp. Bởi như trước kia các doanh nghiệp vẫn phải làm việc trực tiếp, tất cả mọi thủ tục sổ sách đều phải thực hiện từng bước, từ bước đầu tiên cho đến bước cuối cùng là sang tải xe để sang bên kia vẫn do con người trực tiếp làm.
“Nếu chương trình cửa khẩu số này được áp dụng thì doanh nghiệp chỉ cần đăng ký, kê khai đầy đủ, hoàn chỉnh ở trên hệ thống, mọi thông tin về phương tiện, biển số…đã được báo trước. Nếu được như vậy thì sẽ rất thuận tiện bởi vì nó hạn chế được rất nhiều thứ, nhất là thời gian và tiến độ để doanh nghiệp xuất xe được sang bên Trung Quốc”, ông Dũng hào hứng chia sẻ.
Một trong những nội dung quan trọng mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII đặt ra đó là phát triển kinh tế cửa khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tỉnh Lạng Sơn sẽ phấn đấu để sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác.
Việc tiên phong thí điểm cửa khẩu số sẽ tạo ra một quy trình liền mạch được vận hành trên một nền tảng số tự động, liên thông, là đòn bẩy để tỉnh Lạng Sơn nhanh chóng thực hiện và cụ thể hóa mục tiêu đã đề ra./.