Đảm bảo đủ nguồn thuốc phục vụ người bệnh11/11/2023 - 09:16:00 Trước lo lắng về tình trạng thiếu thuốc phục vụ người bệnh, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay, hiện tại đang có trên 22.000 loại thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại, đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường.Hơn 22.000 loại thuốc đang còn hiệu lực lưu hành Theo Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023 của Quốc hội (đợt 9) do Cục Quản lý Dược vừa công bố bao gồm: 39 danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước; 124 danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất tại nước ngoài. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, sau 9 đợt công bố đã có 11.866 (bao gồm 9.202 thuốc trong nước, 2.420 thuốc nước ngoài, 244 vaccine sinh phẩm) được Bộ Y tế gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế theo Nghị quyết 80 của Quốc hội. Cục Quản lý Dược cho biết, đã nhiều lần thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước và thuốc nước ngoài theo quy định của Luật Dược 2016 cho nhiều mặt hàng thuốc trong nước và nước ngoài có thời hạn 3 năm hoặc 5 năm để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh của nhân dân. Đến nay, đã có tổng số 4.087 thuốc được gia hạn, cấp mới theo Luật Dược 2016. Ngoài ra, cũng theo Cục Quản lý Dược, cơ quan chức năng đang trình Hội đồng tư vấn xem xét, chuẩn bị cấp cho gần 1.200 thuốc; giải quyết trên 9.000 hồ sơ thay đổi, bổ sung. Vẫn theo Cục Quản lý Dược hiện đang có trên 22.000 loại thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại nên đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường. Tuyến y tế cơ sở chủ động Ở góc độ tuyến y tế cơ sở, ông Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Bệnh viện trung ương Thái Nguyên cho biết, trước thực trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế xảy ra nhiều sau đại dịch Covid-19, nhưng bệnh viện không để xảy ra tình trạng này. Lãnh đạo bệnh viện đã có những bước chuẩn bị từ sớm, từ xa; nắm vững chuyên môn về đấu thầu, mua sắm thuốc; đồng thời thành lập "Phòng Quản lý dự án đấu thầu"… Ông Hoàng cho hay, một số thuốc biệt dược, đặc biệt thuốc liên quan tới gây nghiện, gây mê, vừa rồi một số đơn vị chưa đấu thầu được do chưa nắm được nguyên tắc trong đấu thầu. Trong trường hợp những thuốc liên quan tới cấp cứu hoàn toàn có thể thực hiện theo hình thức chỉ định thầu (dưới 50 triệu đồng). Đồng thời, xây dựng các buổi đấu thầu cho 8 loại thầu theo quy định hiện hành, áp dụng các biện pháp phù hợp, đúng luật, đảm bảo được các loại thuốc để phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Theo ông Hoàng, có những bác sĩ kỳ cựu nhiều năm nắm rõ được lĩnh vực đấu thầu, nhưng cũng có người mới được phân công thì chưa tự tin làm. Vì vậy, ở một bệnh viện phải có những người nắm vững liên quan tới lĩnh vực đấu thầu để phục vụ bệnh viện, bệnh nhân. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện trung ương Huế cho biết, mỗi ngày bệnh viện có từ 4.500 - 5.000 bệnh nhân điều trị nội trú, thực hiện 150-200 ca phẫu thuật và trên 3.000 thủ thuật… nên nhu cầu về thuốc, sinh phẩm rất lớn, nhưng đơn vị vẫn cơ bản đáp ứng được. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã đưa ra rất nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân. Trên cơ sở những văn bản đó, Bệnh viện trung ương Huế vận dụng các giải pháp nên đã cơ bản đáp ứng tốt được cung ứng hóa chất, vật tư, sinh phẩm trong quá trình điều trị. Khẳng định việc vận dụng các phương pháp mua sắm, đấu thầu đạt hiệu quả, ông Hiệp nêu dẫn chứng cụ thể: Trong đấu thầu, khi có kết quả thầu bệnh viện đã chuẩn bị ngay kế hoạch đấu thầu kế hoạch đợt mua sắm sắp đến. Bên cạnh đó, cũng có các dự báo về tình hình bệnh nhân, trang thiết bị, kỹ thuật… Nên dù sau dịch Covid-19 số lượng bệnh nhân tăng đột biến, bệnh viện vẫn cơ bản đảm bảo được nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Theo ông Hiệp, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Đấu thầu và có rất nhiều quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, nên Bệnh viện trung ương Huế đã thực hiện tổ chức các nhóm như: Tổ chuyên gia; tổ thẩm định nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật và chuẩn bị các hồ sơ kỹ lưỡng, đúng quy định pháp luật để phục vụ cho việc mua sắm, đấu thầu trong năm 2024. Theo Đại đoàn kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|