Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu thực tế, chính sách nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tuy nhiên việc phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Các thủ tục pháp lý phức tạp, tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn vay còn khó khăn; vốn đầu tư lớn, lợi nhuận từ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bị khống chế, thời gian triển khai kéo dài, rủi ro trong đầu tư lớn nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Chưa kể, nhu cầu, điều kiện, khả năng mua nhà của người lao động có thu nhập thấp ở mỗi nơi là khác nhau. Theo đó, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai; tiếp tục tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh việc nhà đầu tư, người mua nhà ở xã hội đủ điều kiện, có nhu cầu sớm được tiếp cận gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, cần xem xét chỉ đạo bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư nhà ở xã hội, góp phần ổn định đời sống cho người lao động.
Trong chương trình nghị sự tại kỳ họp lần này, Quốc hội thảo luận, xem xét về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Đây là hai dự án luật có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ĐBQH tỉnh Thanh Hóa quan tâm đến quy định mức xử phạt đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của một số đơn vị, doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng quan tâm tới quy định giảm thời gian đóng còn 15 năm. Theo đại biểu, nếu phương án này được thông qua, sẽ có một nhóm người lao động tham gia muộn (45 - 47 tuổi mới tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng. Như vậy, dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống của người lao động khi về già. Còn đối với Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), ĐBQH tỉnh cho rằng, nguồn thu phí công đoàn 2% như hiện tại đang ổn định. Tuy vậy, cần có kế hoạch kiểm tra, thanh tra định kỳ để phát huy hơn nữa nguồn quỹ này.
Trao đổi với phóng viên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên khẳng định, cử tri theo dõi thường xuyên hoạt động của Quốc hội có thể thấy, Quốc hội luôn đặt người dân, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách. Nhiều chính sách là sáng kiến của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được đề xuất trên cơ sở tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động. Với vị trí là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri, các ĐBQH nói chung, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nói riêng luôn nỗ lực ghi nhận đầy đủ, toàn diện những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân để chuyển tải đến các bộ, ngành Trung ương với mong muốn đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn và mong đợi của cử tri.