Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu tất yếu, khách quan

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đảng ta thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991). Hiến pháp năm 1992 được ban hành nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được coi là "Hiến pháp của thời kỳ đổi mới".

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đánh giá rất cao giá trị to lớn và ý nghĩa lịch sử của Hiến pháp năm 1992. Bản Hiến pháp này ra đời trong bối cảnh chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, là thách thức vô cùng to lớn với cách mạng Việt Nam. Khi ấy, đất nước ta cũng vừa mới bắt đầu công cuộc đổi mới, nền kinh tế đang trong thời kỳ khủng hoảng, vẫn bị bao vây, cấm vận. Bản Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2001, sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng tiếp tục có những bổ sung, phát triển quan trọng về đường lối đổi mới cả về kinh tế, chính trị, đối nội, đối ngoại.

"Có thể nói, Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) là thành quả rất to lớn của cách mạng, là bước phát triển nhận thức, đổi mới tư duy của Đảng ta, Nhà nước ta, đóng góp hết sức quan trọng, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới ở nước ta", đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy.

Dấu ấn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong việc xây dựng Hiến pháp năm 2013

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. 

Năm 2011, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cương lĩnh đã bổ sung, phát triển nhiều quan điểm, chủ trương xây dựng đất nước trong giai đoạn mới, đòi hỏi sớm được thể chế hóa để triển khai trong thực tiễn. Đồng thời, Hiến pháp năm 1992 cũng có những quy định bắt đầu không còn phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, trở thành một yêu cầu khách quan, cần thiết. Do vậy, tại Đại hội XI, Đảng ta đã quyết định phải khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Quốc hội khóa này cần dành nhiều thời gian, công sức cho việc nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Tại kỳ họp này, đề nghị Quốc hội quán triệt các nghị quyết của Đảng, dân chủ thảo luận để đạt được sự thống nhất cao về mục đích, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn và phương châm, phương pháp tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp".

Định hướng chứ không áp đặt

Trong quá trình xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì nhiều hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (các hội nghị lần thứ hai, năm, bảy, tám) có nội dung thảo luận về quy trình xây dựng và nội dung của dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học... Qua đó, Trung ương Đảng kịp thời có những định hướng cho việc hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có nhiều bài phát biểu tại các diễn đàn, hội nghị, bài viết đăng tải trên báo chí mang tính định hướng rất cao cho công việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, trong đó có những vấn đề mang tính nguyên tắc, cốt lõi và cực kỳ quan trọng đối với đất nước, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh vượt trội.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự triển khai của cả hệ thống chính trị về việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, bản dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã nhận được hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý; cùng với hơn 28 nghìn hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Có thể nói, chưa bao giờ một bản dự thảo Hiến pháp nói riêng và một bản dự thảo văn bản pháp lý nói chung trong lịch sử lập Hiến, lập pháp của nước ta lại nhận được sự quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến đến thế. Khoảng thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã thực sự trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn xã hội. 

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "So với bản dự thảo được công bố, đã có rất nhiều ý kiến của nhân dân được tiếp thu, tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng. Đối với những vấn đề mới, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau, Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo định hướng lựa chọn, tiếp thu, giải trình. Đối với các quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, Trung ương kiên quyết phê phán, bác bỏ".

Nhờ quy trình lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân một cách rộng rãi, dân chủ, thực chất, bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của đại đa số nhân dân, các tầng lớp trí thức, chuyên gia, nhà khoa học và Quốc hội. Kết quả biểu quyết thông qua bản Hiến pháp năm 2013 tại Quốc hội với tỷ lệ gần như tuyệt đối (97,59% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, chỉ có 2 đại biểu không bấm nút biểu quyết và không có đại biểu nào không tán thành) đã phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân.

Chia sẻ cảm xúc về kết quả biểu quyết của Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng, xúc động trước sự đồng thuận của đại đa số cử tri, nhân dân và của cả hệ thống chính trị. Điều đó cho thấy tinh thần và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, đồng chí cũng nhấn mạnh rằng không bất ngờ, vì đây là kết quả tất yếu của một quá trình làm việc rất công phu, nghiêm túc, bài bản và thật sự dân chủ.

Nói về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo rất chặt chẽ, có định hướng nhưng không gò ép, áp đặt, trên tinh thần thảo luận hoàn toàn thoải mái, dân chủ. "Đảng không ép và dân rất thoải mái chấp nhận bởi vì nó hợp lý-là chân lý thì mọi người đều chấp nhận", đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói như vậy.

Như vậy, dù trên cương vị Chủ tịch Quốc hội (cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã có những bước chuẩn bị đầu tiên cho việc tổng kết thi hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992...), hay trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đều có những đóng góp rất quan trọng cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Sau hơn 10 năm thi hành, bản Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rõ giá trị to lớn trong việc định hướng xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới, mang lại thành tựu phát triển vượt bậc cho nước ta. 

CHIẾN THẮNG