Dau hieu nhan biet va cach dieu tri tre bi cong veo cot song hinh anh 1Bác sỹ khám, điều trị bệnh cho trẻ cong vẹo cột sống. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau thời gian nghỉ dịch, nhiều trẻ được bố mẹ đưa đi khám, điều trị bệnh cong vẹo cột sống. Theo các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, ngoài những trường hợp mắc bệnh bẩm sinh, có nhiều trường hợp ghi nhận do trẻ ngồi học sai tư thế, ngồi bàn ghế không phù hợp.

Vì vậy, các bác sỹ cho rằng cha mẹ cần để ý và nhận biết, phát hiện sớm những dấu hiệu gây cong vẹo cột sống của trẻ để cho trẻ đi thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống

Tiến sỹ Đỗ Mạnh Hùng - Phó Khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) phân tích, có 3 nhóm nguyên nhân lớn gây bệnh vẹo cột sống trẻ em: Nguyên nhân do tự phát, không có nguyên nhân rõ ràng. Những trẻ bị cong vẹo cột sống ở nhóm nguyên nhân này thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì là thời điểm cơ thể phát triển nhanh nhất.

Nhóm nguyên nhân thứ hai bao gồm trẻ mắc các dị tật bẩm sinh của cột sống như tật nửa thân đốt sống, dính đốt sống... gây nên vẹo cột sống. Nhóm nguyên nhân thứ ba là do trẻ có tư thế như ngồi học không đúng, mang vác quá nặng, hoặc kích thước bàn ghế học không phù hợp với lứa tuổi, do bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, chấn thương do tai nạn...

Theo Phó giáo sư Đinh Ngọc Sơn - Trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, có tới 80% bệnh nhi bị vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, tùy vào căn nguyên bác sỹ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp.

“Vẹo cột sống vô căn thường phải mổ khi các cháu 14-17 tuổi, cong vẹo 40-45 độ và phải theo dõi sát. Trường hợp trẻ dưới 10 tuổi bệnh phát triển nhanh thì phải can thiệp sớm, như cho mặc áo chỉnh hình, hoặc dùng nẹp tăng trưởng, để bảo đảm cột sống không bị cong vẹo, các cháu vẫn cao được nhưng kiểm soát được cong vẹo cột sống.

Nếu bệnh nhi liên quan đến não thì xử lý về mặt thần kinh, hoặc nguyên nhân do cơ thì sẽ không phải mổ,” Phó giáo sư Đinh Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Dấu hiệu phát hiện sớm

Theo các bác sỹ, cong vẹo cột sống ở trẻ nhỏ là một bệnh lý phức tạp, việc điều trị thường phải kiên trì. Tuy nhiên nếu được thăm khám, phát hiện sớm thì các cong vẹo này hoàn toàn có thể xử lý được.

Với những trường hợp cong vẹo cột sống, việc phát hiện, chữa sớm rất quan trọng. Bởi cột sống không chỉ là chỗ tựa của cơ thể, mà còn liên quan đến lồng ngực, ổ bụng.

Phó giáo sư Đinh Ngọc Sơn hướng dẫn các phụ huynh cách phát hiện sớm trẻ bị vẹo cột sống: Khi tắm cho trẻ, bố mẹ cần quan sát phía sau, cột sống của các con phải nằm trên 1 đường thẳng, nếu cong hình chữ C hoặc S, hoặc thấy 1 điểm gồ lên, lưng ngắn lại, là dấu hiệu gù cột sống, thì phải can thiệp sớm. Bố mẹ cũng có thể cho các cháu đứng thẳng, chạm 2 đầu gối, rồi cúi xuống. Nếu thấy 2 vai trẻ không cân bằng mà một bên bị gồ lên, thì đó là dấu hiệu vẹo cột sống.

Dau hieu nhan biet va cach dieu tri tre bi cong veo cot song hinh anh 2Các phụ huynh đưa trẻ đến khám cong vẹo cột sống. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Phó giáo sư Sơn, can thiệp cong vẹo cột sống phụ thuộc vào lứa tuổi, tình trạng bệnh của trẻ. Với nhóm cong vẹo cột sống vô căn, thường can thiệp khi trẻ 14-17 tuổi, nếu được can thiệp sớm sẽ hạn chế được các biến chứng gây ra cho cơ thể.

Khi cha mẹ, người thân của trẻ nắm bắt được cách phát hiện những thay đổi bất thường trong hình dáng, cột sống của trẻ, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều tri kịp thời.

Nếu được phát hiện sớm, đôi khi trẻ chỉ cần điều trị bảo tồn như thay đổi tư thế ngồi học, tích cực tập vận động, đu xà, tích cực chơi thể thao, mặc áo nẹp chỉnh hình… Việc điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ ngăn chặn vẹo tiến triển nặng hơn, ngăn chặn được những ca phẫu thuật không đáng có và thay đổi toàn bộ chất lượng cuộc sống của trẻ./.