Bến Vạn Kiếp, sông Lục Ðầu là những địa danh nổi tiếng gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn, vị tướng được các Vua Trần giao quyền Tiết chế thống lĩnh quân đội 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông vào các năm 1258, 1285 và 1288, giữ vẹn bờ cõi Đại Việt.
Nhà Sử học Tăng Bá Hoành cho biết: "Sau kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, Trần Hưng Đạo đã về Kiếp Bạc đóng đại bản doanh ở đây vì ông nhận thức rằng đây là nơi giặc Bắc tập kết để tấn công vào Thăng Long. Kiếp Bạc gần ngã 6, nơi giao lưu của 6 dòng sông, ở đó có thể lên Bắc, về Thăng long, có thể về đồng bằng và ra biển. Tiến thoái đều thuận cả. Từ Kiếp Bạc về Thăng Long hơn 50 cây số và họ chỉ đi trong 1 đêm trên sông. Đặc biệt cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lầ thứ 2, thứ 3, thì Kiếp Bạc không chỉ là nơi giặc tập kết mà còn là nơi diễn ra các cuộc chiến đấu ngoan cường và kết thúc chiến tranh".
Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mất ngày 20/8 năm Canh Tý (tức ngày 5/9/1300). Triều đình đã tôn phong ông là Thái sư Thượng phụ, Thượng Quốc công, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương; nhân dân Đại Việt tôn ông là Cửu Thiên Vũ Đế Đức Thánh Trần, lập đền thờ tưởng nhớ công lao to lớn của ông. Trong tâm thức người dân, Hưng Đạo Đại vương là một vị Thánh thiêng liêng.
Nếu như Kiếp Bạc nhắc nhớ sự nghiệp đánh giặc Nguyên Mông của Trần Hưng Đạo thì khu di tích lịch sử Côn Sơn được biết tới là Trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm gắn liền với Tam tổ là Đệ nhất Tổ - Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị Tổ - Pháp Loa Tôn giả và Đệ tam Tổ Huyền Quang Tôn giả, trong đó vị Tổ thứ ba - Huyền Quang Tôn giả là người trực tiếp về chùa Côn Sơn trụ trì và viên tịch tại đây.
Tam Tổ đều có công lao khai mở, xây dựng cảnh quan và phát triển Côn Sơn trở thành trung tâm Phật giáo thời Trần, đưa Côn Sơn trở thành một biểu tượng hệ tư tưởng Phật giáo Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó ban quản lý di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc chia sẻ: "Đến nay Chùa Côn Sơn còn lưu giữ được 16 văn bia lâu nhất là từ thời vua Trần Duệ Tông và bia này được công nhận là bảo vật Quốc gia vào năm 2015; 12 văn bia thời Lê từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18 và 3 văn bia thời Nguyễn. Tất cả các văn bia này đều cho thấy những giá trị văn hóa của khu di tích Côn Sơn. Các vua chúa đều coi Côn Sơn là chốn hành hương, biến nơi đây trở thành quốc lễ cầu quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, mùa màng tốt tươi".
Côn Sơn - Kiếp Bạc hiện cũng còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác, như: núi Ngũ nhạc nơi có Ngũ Nhạc linh từ, Bàn cờ tiên, đền Mẫu sinh, đền Thánh hóa, đền thờ Nam Tào - Bắc Ðẩu, Huyền Thiên cổ tự, Tinh Phi cổ tháp, chùa Thanh Mai.... gắn với các sự kiện lịch sử của dân tộc và các vị tiên hiền.
Cũng chính Côn Sơn là nơi đã hun đúc nên tinh thần yêu nước, trí lược tài ba và tư tưởng nhân tâm của Nguyễn Trãi - Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới...
Với những giá trị to lớn về lịch sử, vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng Yên Tử - nơi đất tổ Thiền phái Trúc Lâm còn lưu giữ trong mình lớp lớp trầm tích của văn hóa Việt Nam. Hiện sơ khoa học trình UNESCO công nhận cụm di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và Yên Tử là di sản văn hóa thế giới đang được các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang phối hợp triển khai.
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Đây là trách nhiệm của các thế hệ hậu sinh để bảo vệ, chăm sóc cụm di tích xứng với tầm vóc lịch sử, văn hóa vốn có.
"Tên của hồ sơ Hải Dương xin đề nghị là "Khu di tích danh thắng Yên Tử và Côn Sơn - Kiếp Bạc". Như vậy mới đầy đủ cả 2 giá trị về văn hóa nhà Trần và văn hóa tư tưởng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong thiền phái Trúc Lâm và đảm bảo nghiên cứu liên kết vùng và đảm bảo tính toàn vẹn của vùng văn hóa khi ta trình hồ sơ ra UNESCO", ông Triệu Thế Hùng nói.
Hàng năm, Côn Sơn - Kiếp Bạc có hai kỳ lễ hội truyền thống lớn vào mùa Xuân và mùa Thu. Mùa Xuân là mùa lễ hội tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ tam tổ thiền phái Trúc lâm Huyền Quang Tôn giả và lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc là lễ hội lớn được tổ chức từ ngày 16/8 âm lịch (ngày giỗ Nguyễn Trãi) tới ngày 20/8 âm lịch (ngày giỗ Trần Hưng Đạo).
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gần 3 năm nay, các lễ hội không được tổ chức, chỉ duy trì các nghi thức tâm linh cầu quốc thái dân an.
"Đúng là 2 năm nay, khi dịch bệnh kiểm soát tôi mới tới đây. Tôi thấy ý thức của mọi người thực hiện 5k rất tốt. Ngay cổng ra vào BTC đã có bàn sát khuẩn, nhắc nhở mọi người cùng chung tay phòng chống dịch bệnh", ông Đinh Văn Quê, huyện Quế Võ, Tỉnh Bắc Ninh bày tỏ.
Côn Sơn - Kiếp Bạc êm đềm, trầm mặc trong những rừng thông cổ thụ, ẩn hiện những nếp chùa trong mưa xuân. Không tráng lệ, hào nhoáng mà vẻ đẹp chứa đựng bề dày văn hóa khiến Côn Sơn - Kiếp Bạc luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ, trở thành khu du lịch văn hóa tâm linh đặc biệt, điểm đến không thể thiếu trong hành trình tìm về nguồn cội của con dân nước Việt cùng du khách gần xa./.