Trong những năm gần đây, hoạt động dạy thêm - học thêm dần trở nên phổ biến và được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau. Đáng chú ý, không ít giáo viên đứng ra tổ chức lớp dạy thêm sai quy định và bị lên tiếng phản ánh.
Quy định về dạy thêm, học thêm
Điều 3 Thông tư 17/2012 của Bộ GD&ĐT quy định, hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
Giáo viên không được phép cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
Đồng thời, đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
Giáo viên cũng không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm thì phải chịu trách nhiệm về nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Giáo viên vi phạm bị xử phạt như thế nào?
Dù có những quy định cụ thể về hoạt động dạy thêm, học thêm nhưng trên thực tế vẫn tái diễn nhiều vi phạm như dạy thêm học sinh tiểu học, dạy trước chương trình, o ép dạy thêm học sinh, xếp lớp học sinh học thêm không tương đương về học lực,…
Điều 22 Thông tư 17/2012 quy định rõ, những cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Báo Lao Động dẫn lời luật sư Nguyễn Thị Tình, Văn phòng Luật sư Tinh hoa Việt cho biết thêm, việc truy cứu trách nhiệm hình sự một vụ việc cụ thể cần có sự vào cuộc làm rõ của các cơ quan tư pháp. Theo đó, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản người phạm tội có thể bị truy cứu theo Điều 355 Bộ Luật Hình sự. Mức phạt cao nhất của tội này lên đến chung thân.