Đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Thí sinh sẽ không thể “học tủ”?21/10/2024 - 07:53:00 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố 18 đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025. Đây là kỳ thi đầu tiên của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Đề tham khảo được các chuyên gia đánh giá hay, hiện đại và hoàn toàn mới mẻ.
Đề thi không đánh đố, không “may rủi” Theo Bộ GD&ĐT, năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018. Nhằm đảm bảo tính khách quan, toàn diện, sát với chương trình, sát với quá trình tổ chức dạy và học, Bộ GD&ĐT đã mời thành phần tham gia xây dựng đề thi là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, các chủ biên đã tham gia xây dựng Chương trình GDPT 2018, Chương trình giáo dục thường xuyên, các tác giả biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018, những người đã tham gia các đợt tập huấn về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi do Bộ GD&ĐT tổ chức... Việc Bộ GD&ĐT sớm công bố cấu trúc đề thi tham khảo tạo thuận lợi cho kế hoạch dạy - học và quá trình ôn luyện của học sinh. Các thầy cô của Hệ thống Giáo dục Học mãi nhận định: “Nội dung các câu hỏi trong đề thi tham khảo có nhiều yếu tố mới mẻ, xuất hiện nhiều câu hỏi ứng dụng thực tiễn, thực hành, bám sát tinh thần của Chương trình GDPT 2018”. Cũng theo các thầy cô của Hệ thống Giáo dục Học mãi, đề thi chỉ còn 3 cấp độ Biết - Hiểu - Vận dụng. Đề thi nói không với vận dụng cao, nói không với những bài toán đánh đố, tính toán quá phức tạp, nói không với học tủ, học vẹt và lý thuyết suông. Đề thi giảm yếu tố tính toán, đi sâu bản chất môn học và tăng hàm lượng thực tế, thực hành nhưng không dễ được điểm cao. Đa số câu hỏi đều xuất phát từ bối cảnh có ý nghĩa và đưa ra các lệnh hỏi, yêu cầu học sinh giải quyết vấn đề được đặt ra ở đề bài. Hàm lượng liên quan đến thí nghiệm, thực hành với các môn khoa học khá nhiều. Đề thi đặt ra cho học sinh thách thức: Cần phải thay đổi hoàn toàn phương pháp học tập so với trước đây, tập trung ôn tập theo hướng hiểu bản chất, gắn kiến thức với các yếu tố thực tiễn ứng dụng, rèn luyện khả năng tư duy, lập luận và khả năng giải quyết vấn đề. Đơn cử, ở môn Vật lý, thầy Nguyễn Ngọc Hải cho biết đề thi giảm yếu tố “may rủi” nhằm mục tiêu nâng cao khả năng phân loại thí sinh. Có thể nói, đề tham khảo thi tốt nghiệp là một cấu trúc đề thi hay và thách thức khi không còn việc làm bài theo mẹo mà cần phải học đúng - hiểu thật; vận dụng các kiến thức đầu vào về ngữ pháp nền tảng và từ vựng để xử lý bài thi dưới áp lực về thời gian và độ khó của các dạng bài. Tương tự, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa học đánh giá, đề thi tham khảo chú trọng đánh giá năng lực vận dụng kiến thức của học sinh giải quyết tình huống mang tính chất thực tiễn, thực nghiệm. Đề hạn chế nhiều bài toán có những biến đổi rắc rối, phức tạp và vô nghĩa. Thay vào đó, đề thi tập trung vào việc đánh giá thực chất hơn năng lực vận dụng kiến thức đặc trưng của các môn học. Đề thi có tính phân loại cao, hy vọng giảm các kỳ thi đánh giá năng lực Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, đề thi tham khảo rất tiến bộ và phân hóa tốt. Vì vậy, các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025 để xét tuyển. Theo thầy Ngọc, những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng có xu hướng sử dụng kết quả kỳ thi riêng, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy vì có nhiều điểm tiến bộ hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT và mức độ phân hóa sâu sắc hơn. “Tuy nhiên, nhìn vào đề minh họa lần này, tôi cảm nhận sự tiến bộ của đề thi tốt nghiệp còn lớn hơn đề thi đánh giá năng lực và mức độ phân hóa cũng rất tốt”, thầy Ngọc chia sẻ. Các thầy cô cũng cho rằng, các trường ĐH nên sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 để xét tuyển ĐH để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh, học sinh khi phải tham gia nhiều kỳ thi riêng. Các kỳ thi riêng tốn nhiều nhân lực, nguồn lực tài chính, hơn nữa không có độ phủ cao như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Và mặc dù đánh giá đề thi tham khảo tiến bộ nhưng thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng, chưa thể dự đoán được liệu sẽ có xu hướng các trường ĐH quay trở lại sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT nhiều hơn và thu hẹp các kỳ thi riêng. Thực tế, nhiều ẩn số liên quan tuyển sinh ĐH vì còn phụ thuộc vào đánh giá của các trường về nguồn tuyển. Cùng với đó, theo thầy Vũ Khắc Ngọc, Chương trình GDPT 2018 dù đã được thực hiện trong thời gian qua nhưng thực tế triển khai ở các nhà trường cho thấy cách dạy và học vẫn còn nhiều dấu ấn của chương trình cũ. Thầy cô theo quán tính vẫn có cách truyền đạt kiến thức, dạy học, ôn thi theo dạng bài của chương trình cũ. Vì vậy, với đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ khiến một bộ phận học sinh và giáo viên bất ngờ và lo lắng. Tuy nhiên, đề thi minh họa cũng sẽ là “kim chỉ nam” định hướng dạy và học, hướng tới sự thay đổi phương pháp dạy và học ở các trường phổ thông thực chất hơn.Theo Bộ GD&ĐT, kể từ năm 2025, đề thi có một số điểm mới như môn Ngữ văn thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT sẽ không còn sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa theo đúng định hướng của Chương trình GDPT năm 2018. Năm 2025 cũng là năm đầu tiên môn Tin học và Công nghệ được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một điểm mới nữa trong dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT có sự điều chỉnh. Các năm trước cách tính điểm tốt nghiệp theo công thức điểm thi chiếm 70%, điểm học tập chiếm 30% và điểm học tập chỉ sử dụng điểm của năm lớp 12. Số môn thi tốt nghiệp cũng giảm. Mỗi thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp sẽ chỉ phải thi 4 môn gồm môn Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn thi Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ - Công nghiệp, Công nghệ - Nông nghiệp, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn) Theo Báo Pháp Luật Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|