Đề xuất cho người lao động ứng trước tiền lương khi cần để tránh tín dụng đen20/08/2022 - 16:56:00 Mô hình trả lương linh hoạt như cho người lao động ứng trước một khoản lương khi cần để tránh tình trạng vay nặng lãi, tín dụng đen. Bên cạnh đó với lao động tay nghề cao cũng cần nghiên cứu chế độ tiền lương phù hợp để giữ chân họ.
Đây là đề xuất của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” diễn ra sáng nay (20/8). Ông Nguyễn Văn Thân cho biết, hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% trong khoảng 800.000 doanh nghiệp, thu hút khoảng 60% lao động, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp đang rất lớn. Do đó, ông Thân kiến nghị cần xem xét nghiên cứu để có chế độ tiền lương phù hợp với lao động tay nghề cao, tư duy đột phá để giữ chân họ. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu mô hình trả lương linh hoạt, có thể tính đến việc cho người lao động ứng trước một khoản tiền lương khi cần để tránh tình trạng vay nặng lãi, tín dụng đen, đặc biệt cũng cần nghiên cứu phương án phát triển các đô thị công nghiệp như nhiều nước đã làm để tạo thuận lợi cho người lao động sinh sống và làm việc. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Thân cũng đề xuất cần có giải pháp tạo thuận lợi cho dịch chuyển lao động trong nước và ngoài nước, khuyến khích lao động học nghề, đào tạo, xuất khẩu lao động ở nước ngoài về nước làm việc, phát triển nhà ở xã hội cho họ về nước an cư lạc nghiệp. Đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia đào tạo, đào tạo lại lao động Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thời điểm này, cách đây 1 năm các doanh nghiệp đang gồng mình thực hiện 3 tại chỗ, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, lực lượng lao động rời các nhà máy, xí nghiệp về quê lớn chưa từng có. Nhưng đến nay, tình hình đã đổi khác, tốt hơn rất nhiều. Cùng với việc phục hồi kinh tế, bức tranh quan hệ cung cầu lao động trên thị trường lao động cũng có thay đổi lớn. Dưới tác động kép bởi đại dịch COVID-19 và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thị trường lao động Việt Nam đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ, trong đó nổi lên hai thách thức lớn. Đó là thiếu hụt lao động có kỹ năng, và các thay đổi rất nhanh về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động dưới tác động của việc thay đổi công nghệ, đặc biệt là tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số. Các thay đổi nói trên khiến cho việc khớp nối cung cầu trên thị trường lao động ngày càng khó hơn, nhất là ở những vị trí, yêu cầu kỹ năng cao. Dẫn báo cáo PCI năm 2021 do VCCI thực hiện, ông Phạm Tấn Công cho biết, khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%). “Thách thức trên chính là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như là nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch COVID-19 và các biến động của chính trị quốc tế. Hiện nay Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng", ông Phạm Tấn Công cho biết và chỉ rõ, tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới chỉ đạt 26,1%. Cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường. Việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên trị trường lao động. Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại. Để khắc phục hạn chế trến, Chủ tịch VCCI đề xuất, trước mắt, chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động khi gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cần linh hoạt hơn trong cơ chế phối hợp giữa đơn vị sử dụng lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm các phương án phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp. Kéo dài thời gian thực hiện chính sách và điều chỉnh các điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp và người lao động được tham gia. Tổng kinh phí dự kiến chi cho chính sách này là 4.500 tỷ đồng được trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù được triển khai từ 1/7/2021, hạn cuối để các doanh nghiệp nộp hồ sơ là 30/6/2022, nhưng qua 1 năm, rất ít doanh nghiệp đăng ký tham gia và mới chỉ 17 tỉnh, thành phố phê duyệt cho 57 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 12.000 lao động. Một con số rất khiêm tốn so với mục tiêu 4.500 tỷ đồng đề ra để thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét có những quy định hướng dẫn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp, có cơ chế hợp tác giữa nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo tại doanh nghiệp cũng như ban hành cơ chế công nhận về mặt văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận cho người lao động được đào tạo tại doanh nghiệp. Điều này vừa tạo điều kiện cho phát triển thị trường lao động linh hoạt vừa khuyến khích người lao động liên tục học tập trau dồi kỹ năng để đạt được những vị trí và cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện và đầu tư thỏa đáng vào việc đào tạo kỹ năng cho người lao động một cách căn cơ, toàn diện. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân cũng đồng quan điểm cho rằng, hiện tại, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp có thành lập trung tâm/trường/cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để sát với thực tế, cần xem xét, nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu họ chứng minh được có đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động. Thay vì chứng minh chi phí bằng hóa đơn chứng từ phức tạp như hiện nay thì nên nghiên cứu cho doanh nghiệp được giảm thuế tương tự như trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật... Tiếp đó, đại diện VCCI cũng đề nghị Chính phủ xem xét có ưu đãi giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ tại doanh nghiệp đáp ứng đúng tiêu chuẩn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp. Hiện tại, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp có thành lập trung tâm/trường/cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp. Điều này hạn chế và bỏ sót một hình thức đào tạo phổ biến của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay là chương trình đào tạo nội bộ cho người lao động của doanh nghiệp. “Việt Nam đang có mục tiêu và khát vọng trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Chìa khóa vàng để mở cánh cửa đầu tiên đến với mục tiêu này là nhanh chóng xây dựng lực lượng lao động chất lượng vàng, có năng suất cao, thu nhập cao. Để thực hiện điều này, cần có những giải pháp mạnh và đột phá trong đó có việc tạo điều kiện và phát huy vai trò của doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng mà là chủ thể trực tiếp tham gia bồi dưỡng đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời quan tâm tạo môi trường phát triển nhanh, bền vững vì một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập chỉ có thể có được khi doanh nghiệp phát triển phát triển hiện đại, bền vững, hội nhập”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh./. Theo VOV
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
|