Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ga Cao Xá thuận lợi về kết nối và có diện tích mặt bằng để đầu tư hạ tầng kĩ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động liên vận quốc tế. Ga có vị trí tại km 50+870 tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, kết nối với đường 194B có mặt đường rộng 9m.

Đường 194B là đường huyện kết nối giữa các khu công nghiệp với Cảng đường sông Tiên Kiều, khoảng cách từ ga ra cảng khoảng 2km. Con đường này cũng kết nối từ ngã tư Đại An - Quốc lộ 5 đến cảng Tiên Kiều.

Đề xuất mở tuyến đường sắt liên vận quốc tế tại ga Cao Xá (Ảnh minh hoạ: TPO) 

Mặt khác, ga Cao Xá gần các khu công nghiệp như: Đại An, Cẩm Điền, Phúc Điền, Tân Trường, An Phát Complex... Khoảng cách từ ga về trung tâm TP. Hải Dương chỉ 5km.

Để khai thác hoạt động liên vận quốc tế đường sắt, ga Cao Xá cần được xây dựng cải tạo theo phân khu chức năng riêng: Bãi hàng chứa container trên 10.000m2 có tường bao quanh; khu vực làm hàng xuất nhập khẩu - giám sát hải quan...

Hiện ngành đường sắt đang đề nghị tỉnh Hải Dương ưu tiên quỹ đất để nâng cấp, mở rộng ga Cao Xá đạt chuẩn ga liên vận quốc tế, mở điểm kiểm tra, giám sát, thông quan hàng hóa tại ga và nghiên cứu đưa ga Cao Xá vào quy hoạch mạng lưới trung tâm logistics của địa phương.

Hải Dương là một trong những tỉnh có hoạt động sản xuất, gia công hàng hóa xuất nhập khẩu hàng đầu trong cả nước với gần 20 khu công nghiệp và hơn 50 cụm công nghiệp.

Nhu cầu nhập khẩu vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cao đối với các nguồn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Cùng đó, nhu cầu xuất khẩu sản phẩm từ các doanh nghiệp FDI và các nhà máy trên địa bàn tỉnh sang thị trường Trung Quốc, châu Âu, Trung Á… cũng rất lớn.

Tuy nhiên, hiện hàng hóa tại tỉnh Hải Dương chưa xuất - nhập khẩu trực tiếp bằng đường sắt. Các ga trên địa bàn tỉnh chưa có các bãi hàng đủ tiêu chuẩn khai thác container.

Do đó, nếu tổ chức được hoạt động liên vận quốc tế hàng hóa tại Hải Dương, có thể thực hiện thủ tục khai báo xuất nhập khẩu và vận chuyển ngay tại địa phương đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á… mà không phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển. Hơn thế, vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt sang Nga, EU sẽ rút ngắn 2/3 thời gian so với đường biển truyền thống.