Dịch Covid-19: Trường rao bán, giáo viên mầm non đi bán trứng, bán rau23/08/2021 - 15:43:00 Tìm đủ công việc để mưu sinh trong khi trường học phải đóng cửa do dịch Covid-19 kéo dài đang là tình cảnh chung của không ít giáo viên mầm non, nhất là giáo viên của các cơ sở mầm non tư thục.
Dịch Covid-19 ập đến khiến cuộc sống của nhiều người, trong đó có giáo viên mầm non bị đảo lộn. Lương giáo viên mầm non vốn dĩ chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày thì nay gần 2 năm qua với 4 lần dịch bệnh hoành hành, nhiều giáo viên buộc phải kiếm thêm nghề “tay trái” để sống với đam mê dạy trẻ. Nhấp nhổm với nghề Lướt qua mạng xã hội những ngày này, không khó để nhận thấy tình cảnh giáo viên phải bươn chải kiếm sống bằng đủ nghề để cầm cự qua dịch bệnh, nhất là bán hàng online. Dạo một vòng mạng xã hội để đặt đồ ăn trong những ngày ở nhà phòng, chống dịch, vô tình phóng viên tìm thấy trang cá nhân facebook tên Phương Dung với đủ các đồ ăn từ phở, xôi, miến lươn, bánh bao đến tào phở, thạch rau câu, chè, bánh khúc… Sau một số lần mua hàng, trò chuyện online mới biết, chủ Facebook là chị Phạm Phương Dung, giáo viên Trường mầm non Ánh Mai sáng (quận Ba Đình, Hà Nội). Chị không ngần ngại chia sẻ rằng, hơn 1 năm qua, sau nhiều lần phải tạm thời nghỉ dạy học do dịch bệnh, thu nhập của chị Dung vì thế mà bấp bênh. Nghỉ dịch từ đầu tháng 5, chị Dung được nhà trường hỗ trợ 50% lương/tháng, tương đương khoảng 3 triệu đồng. Chị Dung giãi bày: “Cứ mỗi lần dịch bùng phát trở lại, tôi lại canh cánh với nỗi lo mình có được đi dạy hay không? Tôi và đồng nghiệp lại tự hỏi nhau làm gì hay có cách nào để mưu sinh. Đối với trường công lập, giáo viên mầm non vẫn được trả lương mặc dù trường học phải đóng cửa. Nhưng với chúng tôi-giáo viên mầm non tư thục, ai may mắn thì được hỗ trợ phần nào, còn lại là nghỉ không lương”. Nhiều lần trăn trở, chị Dung quyết định tìm kiếm việc làm thêm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Chị Dung bắt tay vào buôn bán trên mạng xã hội với đủ món lẩm cẩm từ cuối năm 2020. Dần dần facebook của chị Dung như cái bách hóa đồ ăn. Rồi mọi người gọi điện hay kêu chị là “cô bán phở” làm chị chột dạ, có khi nào vì cơm, áo, gạo, tiền mà chị sắp quên nhiệm vụ với đàn con thơ ở trường. Qua mỗi lần dịch Covid-19 bùng phát trở lại, chị Dung nói vui: “Tôi sợ mọi người quên tôi là cô giáo”. Xoay xở đủ kiểu, song nguồn thu từ việc bán hàng online không được bao nhiêu. Chị Dung tiếp tục suy nghĩ tìm thêm cách làm khác. Nghĩ là làm, chị cùng với một người bạn tìm một mặt bằng để kinh doanh căn hộ dịch vụ. Bao nhiêu tiền tích cóp từ nghề dạy trẻ, chị Dung dồn hết vào ý tưởng khởi nghiệp của mình. Với số vốn ít ỏi, chị Dung cho hay, sau khi chọn được mặt bằng, chị và bạn tự tay sửa sang, xử lý sự cố của ngôi nhà. Cuối cùng, ý tưởng “chủ nhà trọ” của chị Dung đã đi vào hoạt động được 3 tháng nay. Quay cuồng với đủ nghề tay trái, lên đơn, chốt đơn, kiêm cả shipper rồi dọn dẹp phòng cho thuê nhưng chị Dung chia sẻ: “Dù dịch bệnh, khiến việc kinh doanh chưa có lãi nhưng tôi luôn lạc quan với suy nghĩ rằng việc gì khó cũng có hướng giải quyết nếu bản thân dám nghĩ, dám làm”. Không có khoản tiền tích lũy như trường hợp chị Dung ở trên nên những ngày phải nghỉ dịch ở nhà, chị Nguyễn Thị Khuyên, giáo viên một trường mầm non trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) xoay xở bằng cách bán trứng, bán rau phục vụ các gia đình quanh nơi chị đang sinh sống. Chị Khuyên cho biết, từ đầu tháng 5 tới nay, mỗi tháng chị nhận được khoảng tiền hỗ trợ của nhà trường là 3 triệu đồng. Đã vậy, chồng chị Khuyên làm nghề lái xe taxi. Giai đoạn này, anh cũng lao đao vì không thể có việc làm. Ở nhà để phòng, chống dịch, cả gia đình gồm 4 người sống qua ngày bằng số tiền hỗ trợ ít ỏi hàng tháng từ nhà trường cộng với 2-3 triệu đồng/tháng-số tiền chị Khuyên kiếm được từ việc bán trứng, bán rau. Thế nhưng, từ ngày phải thực hiện giãn cách xã hội, chị Khuyên cho hay: “Tôi không còn cách nào để kiếm thêm. Chúng tôi chỉ biết chi tiêu dè sẻn để cầm cự qua dịch bệnh”. Nhiều chủ trường rao bán Trong khi giáo mầm non gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 những chủ trường mầm non tư thục cũng phải đối mặt với muôn vàn thách thức. Nhiều chủ trường chia sẻ, nếu dịch bệnh kéo dài, họ không biết sẽ phải xoay xở ra sao để giữ được trường. Trường mầm non Hạt giống nhỏ (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có quy mô tổng diện tích 200 m2 với 4 lớp và 11 cán bộ, giáo viên. Hai năm nay, sau nhiều đợt dịch Covid-19 bùng phát, nhà trường không còn cách nào khác phải cho giáo viên tạm thời nghỉ dạy không lương. Theo chị Nguyễn Thị Kim Thanh, chủ trường mầm non Hạt giống nhỏ, từ năm ngoái tới nay, giáo viên trường tôi chưa nhận được một khoản trợ cấp nào. Các cô giáo trong trường phải vật lộn đủ nghề để mưu sinh. Trong số này, có cô nhận trông trẻ ngoài giờ, có cô buôn trái cây, bán cháo, thậm chí có cô rửa bát thuê cho một quán phở. Bản thân nhà trường cũng đang đứng trước khó khăn về tài chính khi không được hoạt động nhưng vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, chi phí duy trì dịch vụ. “Hiện tại, nhà trường cũng chỉ có đủ khả năng hỗ trợ một chút gạo, dầu ăn cho giáo viên, còn tiền lương thì không thể kham nổi”, chị Thanh trăn trở. Để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó có đối tượng là giáo viên mầm non tư thục, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Chủ trường mầm non Hạt giống nhỏ cho biết, trường đã hoàn tất hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho giáo viên theo Nghị quyết 68/NQ-CP. “Chúng tôi hi vọng sớm nhận được số tiền hỗ trợ từ chính sách để giáo viên mầm non phần nào giảm những áp lực trong cuộc sống”, chị Thanh nói. “Bỏ ra làm trường mầm non phải tầm 1 tỷ rưỡi trở lên rồi, không thể đếm nổi nữa. Mà giờ buộc lòng phải giải thể vì Covid-19 kéo dài…”, những thông tin như thế này thời gian gần đây xuất hiện nhiều trên các diễn đàn mua bán, sang nhượng trường mầm non. Không thể trụ được qua dịch bệnh, không ít chủ trường phải ngậm mgùi tìm đến các diễn đàn để sang nhượng lại trường vì hết vốn. Trong số 4 cơ sở của Hệ thống mầm non song ngữ An, có 2 cơ sở trường mua lại mặt bằng từ các cơ sở giáo dục mầm non khác không thể chống đỡ qua các đợt dịch trước. Giống như nhiều cơ sở giáo dục mầm non khác, dịch bệnh kéo dài, Hệ thóng mầm non song ngữ An cũng bị ảnh hưởng rất nhiều về tài chính. Hiện hệ thống trường có gần 30 giáo viên. Chị Nguyễn Thị Anh Ngọc, đại điện quản lý hệ thống trường cho hay, dù không có thu, mỗi tháng vẫn phải chi trả đều đặn tiền thuê nhà, phí vận hành, tiền thuế, tiền bảo hiểm nhưng để giữ chân giáo viên nhà trường phải cố gắng đồng hành cùng các cô bằng cách hỗ trợ một phần mức lương hằng tháng. "Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, trong đó có chúng tôi. Qua 4 đợt dịch bùng phát, cuộc sống của giáo viên mầm non bị xáo trộn rất nhiều. Không ít người muốn đổi nghề để mưu sinh. Trong khó khăn, dịch bệnh, mỗi trường có một cách làm riêng để giữ chân giáo viên và cùng họ vượt qua dịch bệnh. Giữ chân giáo viên cũng là cách chúng tôi giữ trường. Mong rằng dịch bệnh qua nhanh để cuộc sống được trở lại bình thường”, chị Ngọc bày tỏ. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|