Dịch đau mắt đỏ đang hoành hành ở nhiều nơi12/09/2023 - 20:37:00 Trước diễn biến phức tạp của dịch đau mắt đỏ, nhiều địa phương phải ban hành công văn khẩn yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống, thu dung điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện tình hình bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đang có chiều hướng gia tăng trên cả nước. Báo cáo của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, từ ngày 1/1 đến 11/9, 22.444 trường hợp viêm kết mạc cấp khám và điều trị tại bệnh viện, trong đó có 11.572 trẻ em, chiếm tỷ lệ 51,5%.
Riêng từ ngày 1 đến 11/9, bệnh viện khám và điều trị 1.335 trường hợp viêm kết giác mạc, trong đó 767 trẻ em, chiếm tỷ lệ 57,5%. Số lượng trẻ em khám ngoại trú tăng đột biến, trong đó trên 80% trẻ em được chẩn đoán mắc viêm kết mạc. Còn tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận 71.740 trường hợp đau mắt đỏ đến các bệnh viện khám. Đáng chú ý, trong những ngày gần đây số ca mắc có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Trong số các ca mắc có khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM những ngày gần đây có nhiều trẻ đến khám đau mắt đỏ. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ mầm non, tiểu học. Nhiều trẻ tới viện vẫn còn đang mặc đồng phục do được phát hiện nguy cơ bị đau mắt đỏ ngay khi đang học ở trường nên được đi khám ngay trong ngày. Tại Hà Nội, theo thống kê tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 20-30 bệnh nhân tới khám do đau mắt đỏ, trong đó có từ 5 - 7 bệnh nhân gặp biến chứng nặng. Theo các bác sĩ, trong số các ca biến chứng nặng, nhiều trường hợp do tự ý sử dụng thuốc chứa thành phần corticoid. Chỉ trong hai tuần, Bệnh viện Mắt Trung ương đã ghi nhận 1.700 trường hợp đau mắt đỏ, chiếm trên 50% tổng số bệnh nhân đến khám. Nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ với biến chứng mờ mắt kéo dài thậm chí cả tháng. Các bác sĩ của Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, bệnh nhân đau mắt đỏ thường không đi khám và đều tự ra nhà thuốc mua thuốc về dùng. Các loại thuốc này đều chứa corticoid, dễ dẫn đến biến chứng loét giác mạc, bội nhiễm nặng nếu lạm dụng. Vị bác sĩ này cũng khuyến cáo khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn điều trị thuốc. Bởi việc dùng corticoid cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, đúng thời điểm. Nhằm kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề nghị các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút (thường gặp là Adenovirus). Cụ thể, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang,...; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Ngoài ra cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Đặc biệt, người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng lưu ý, khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm… cần hướng dẫn trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Đồng thời thông báo kết quả khám bệnh cho giáo viên chủ nhiệm được biết. Với trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học, cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh; Thông báo thông tin ca bệnh cho trạm y tế để phối hợp xử lý. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho các đối tượng: Giáo viên, nhân viên nhà trường; học sinh và phụ huynh. Truyền thông tạo sự đồng thuận cho phụ huynh với thông điệp không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ có chỉ định nghỉ học đến trường. Về phía người dân, để phòng chống dịch các bác sĩ lưu ý, điều trị bệnh đau mắt đỏ khá đơn giản, bằng cách uống thuốc giảm nhẹ triệu chứng, kháng viêm, kháng sinh, nhỏ tại chỗ. Song, điều trị không đúng chỉ định và không kịp thời có thể có những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới thị lực của người bệnh. Khi có dấu hiệu của bệnh, người dân nên đến khám tại các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa mắt để được hướng dẫn điều trị và tuân thủ điều trị theo chỉ định. Không nên tự ý mua thuốc hoặc dùng thuốc của người khác khi không có chỉ định của bác sỹ. Không nên xông hoặc đắp mắt bằng các loại lá trầu, thuốc dân gian hoặc thán mực tàu để tránh làm bệnh nặng thêm. Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau: Có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giác mạc. Được biết, hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh như Tobrex, Ofloxacin, Levofloxacin, Ciprofloxacin, Neomycin, Tobramycin… Điều quan trọng là, theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Khi mắc bệnh, người dân không tiếp xúc gần với người bệnh như ngủ, ôm, hôn. Không dùng đồ chung với người bệnh. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc của người bệnh để nhỏ phòng ngừa cho mình và người khác, điều này nguy hiểm vì sẽ làm lây nhiễm chéo và tạo ra chủng vi khuẩn kháng thuốc. Khi giáo viên, hoặc học sinh bị bệnh, cần phải cách ly tại nhà, tránh lây lan cho người khác, từ 3 - 5 ngày. Người bệnh cần rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng, không dụi tay bẩn lên mắt. Ngay sau khi chăm sóc và nhỏ thuốc cho người bệnh, phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, lau khô rồi mới chăm sóc cho mình hoặc người khác. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|