Khởi đầu ngày 27/4 với đa nguồn lây, đa ổ bệnh, dịch đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, nhóm sinh hoạt tôn giáo... và tại các khu vực có mật độ dân cư cao, làm số mắc tăng nhanh trong thời gian ngắn. Ngày 5/11, tỉnh Cao Bằng đã ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, như vậy, đến nay số người mắc Covid-19 đã ghi nhận tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Sau khi số ca mắc giảm sâu, cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương số lượng ca mắc mới trong ngày đang tăng. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong bảy ngày (đến hết ngày 4/11), cả nước ghi nhận hơn 40 nghìn ca mắc mới, tăng hơn 12 nghìn ca (45,3%) so với bảy ngày trước đó; trong đó số mắc trong cộng đồng là hơn 18 nghìn ca chiếm 44,8% tổng số ca mắc, tăng 6.324 ca (53,8%) so với bảy ngày trước. Nhiều khu vực ghi nhận số mắc tăng so với bảy ngày trước đó, như phía bắc với số ca mắc tăng ở Hà Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Thọ. Khu vực phía nam thì có tới 14 địa phương ghi nhận số mắc tăng trong cộng đồng, trong đó nhóm tăng 500 đến 700 ca gồm Bình Dương, Tây Ninh, Bạc Liêu, Sóc Trăng; nhóm tăng 200 đến dưới 500 ca gồm: Ðồng Nai, Kiên Giang... Khu vực miền trung có ba địa phương ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng gồm Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Ðịnh. Tại các tỉnh Tây Nguyên, nếu như Ðắk Nông là tỉnh duy nhất chưa ghi nhận ca mắc cộng đồng thì tại Ðắk Lắk đã ghi nhận 266 ca, Gia Lai 23 ca, Kon Tum 3 ca.
Thực hiện công bố cấp độ dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP, tính đến 17 giờ ngày 4/11, cả nước có 7.161 xã, phường cấp độ 1 (67,5%); 3.087 xã, phường cấp độ 2 (29,1%); 247 xã, phường cấp độ 3 (2,3%); 106 xã, phường cấp độ 4 (1%). Trong một tuần qua, đã có sự thay đổi về số lượng cấp độ dịch phạm vi xã, phường như sau: giảm 142 xã, phường cấp độ 1, cấp độ 2; tăng 142 xã, phường cấp độ 3, cấp độ 4 (tăng 102 xã, phường cấp độ 3; tăng 39 xã, phường cấp độ 4). Số xã, phường tăng cấp độ 4 xảy ra ở bốn khu vực trên phạm vi toàn quốc.
Nguyên nhân chính làm gia tăng số ca nhiễm Covid-19 mới tại nhiều địa phương thời gian qua là do sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, người dân từ các vùng dịch (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai...) trở về nhiều. Thống kê sơ bộ cho thấy, từ ngày 7/10 đến 3/11 có hơn 405 nghìn người di chuyển về các địa phương, trong đó lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 382 nghìn người, phát hiện 7.700 ca dương tính (chiếm khoảng 2%). Một số tỉnh, thành phố có số người trở về từ các địa phương dương tính cao khi trở về địa phương là: Bạc Liêu, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Ðồng Tháp, Hà Giang, Kiên Giang, Kon Tum, Nghệ An, Quảng Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Long. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp khi quay lại sản xuất không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cho nên đã ghi nhận những ca mắc Covid-19 là công nhân trong nhà máy, xí nghiệp. Ngoài ra công tác tầm soát tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa chặt chẽ, dẫn đến việc ghi nhận ca bệnh là người bệnh, nhân viên y tế...
Theo Thứ trưởng Y tế Ðỗ Xuân Tuyên, các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An...). Tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, cấp độ 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19… Ðẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân đi từ vùng dịch về chủ động khai báo y tế, phát huy tinh thần trách nhiệm chống dịch; hướng dẫn thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức của người dân để thích ứng trong tình hình mới… Các địa phương cũng cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cộng đồng, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát… Thứ trưởng Ðỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các địa phương phê duyệt phương án phòng, chống dịch để doanh nghiệp bảo đảm sản xuất, trong đó lưu ý hướng dẫn việc xét nghiệm của công nhân phải phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí.
Tại cuộc họp với tám tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Ðắk Lắk, Gia Lai) chiều 5/11, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam khẳng định sau khi ưu tiên vắc-xin cho người dân TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, Hà Nội… Sắp tới ưu tiên cao nhất việc tiêm vắc-xin cho những địa phương dịch đang phức tạp, có số mắc tăng, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Ðáng chú ý, lượng vắc-xin sẽ không thiếu, Bộ Y tế có trách nhiệm lo đủ, cho nên các địa phương cần có phương án chi tiết, thực hiện số lượng người được tiêm ở mức cao nhất, trong thời gian sớm nhất; tăng cường lực lượng để bảo đảm trong thời gian năm ngày phải tiêm mũi một cho 100% số đối tượng (từ 18 tuổi trở lên), mũi hai cho 50% số đối tượng và từng bước triển khai tiêm cho nhóm 12 đến 17 tuổi.
Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, các địa phương đẩy mạnh áp dụng nền tảng công nghệ để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng, tăng tốc nhập dữ liệu tiêm chủng. Triển khai tiêm chủng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, tránh để lẫn các loại vắc-xin, phải tuân thủ quy trình đã đề ra. Lãnh đạo Bộ Y tế đã giao cho các đơn vị chuyên môn rà soát lại về tiêm chủng của các địa phương, số vắc-xin đã tiêm, số còn lại; đề nghị 63 tỉnh, thành phố, nhất là 19 tỉnh, thành phố phía nam rà soát ngay nhân lực tiêm chủng, nếu thiếu báo ngay về Bộ Y tế trước 17 giờ hôm nay, 6/11. Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã thống nhất địa phương nào cần, sẽ điều lực lượng quân y đến hỗ trợ. Mặt khác, các địa phương rà soát, đánh giá lại hệ thống điều trị, thực hiện phân tầng điều trị hợp lý, để hạn chế thấp nhất người bệnh tử vong.
Minh Hoàng