Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh |
Tăng thuế thuốc lá theo lộ trình
Tại hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và vai trò của chính sách thuế với sức khỏe diễn ra ngày 31/7/2024, bà Trần Thị Tuyết - Trưởng Phòng chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) và tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB nhằm cụ thế hóa chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ, Quốc hội tại các nghị quyết.
Cụ thể, căn cứ Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân: “Tăng thuế TTĐB đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”. Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: “Xây dựng phương án tăng thuế TTĐB đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng…”. Quyết định 586/QĐ-TTg (ngày 24/5/2023) về Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá. Mục tiêu là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39% giai đoạn 2023 - 2025 và dưới 36% giai đoạn 2026 - 2030.
Sữa, nước ép trái cây không chịu thuế
"Lần sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt này, dự thảo luật đã loại trừ mặt hàng sữa và nước ép trái cây... ra khỏi đối tượng chịu thuế, bởi những sản phẩm này đang là mặt hàng bổ sung chất dinh dưỡng ưu tiên cho trẻ em. Việc đề xuất này được căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội nước ta…”. Bà Trần Thị Tuyết - Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính. |
Đánh giá tác động của chính sách thuế TTĐB cho thấy, dù thuế suất thuế TTĐB đã tăng từ 65% lên 70% (2016) và lên 75% (2019), nhưng theo các tổ chức quốc tế như WHO, WB, IMF vẫn đưa ra khuyến cáo và cho rằng, giá bán thuốc lá của Việt Nam rất thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thấp (38,85% năm 2020). Giá thuốc lá vẫn rất thấp (15.200 đồng/bao theo điều tra GATS Việt Nam năm 2020), giá bán đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng.
Tại Việt Nam, thuốc lá gây 40.000 người tử vong mỗi năm và chi phí y tế có liên quan đến bệnh tật do thuốc lá gây ra là 1 tỷ USD. Việt Nam nằm trong Top 15 nước đứng đầu có số nam giới trưởng thành hút thuốc. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới trưởng thành có xu hướng tăng. Vì vậy, tại hội nghị, đại diện các tổ chức y tế và bảo vệ sức khỏe đã đề nghị tăng mạnh thuế thuốc lá. Tiêu biểu, Ths Nguyễn Hạnh Nguyên - đại diện HealthBridge Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế thuốc lá cần đủ mạnh để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá; đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) lần này, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ về bảo vệ sức khỏe người dân, mức thuế suất được điều chỉnh một cách hài hòa, có lộ trình phù hợp với thực tế. Theo đó, trong lần sửa đổi này, dự thảo luật đề xuất lấy ý kiến theo 2 phương án. Phương án 1, đối với mặt hàng thuốc lá điếu vẫn giữ mức thuế suất tỷ lệ là 75% vào năm 2026, từ năm 2027, 2028, 2029 sẽ điều chỉnh tăng dần theo lộ trình. Việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp thích nghi dần với phương án tăng thuế và có lộ trình tính toán phương án sản xuất. Phương án 2, dự thảo luật đề xuất tăng thuế từ năm 2026, Luật có hiệu lực là 5.000 đồng/bao và đích là năm 2030 tổng là 10.000 đồng/bao mức thuế tuyết đối. Bộ Tài chính tính toán, khi luật có hiệu lực vào năm 2026 thì mức thuế suất 5.000 đồng/bao thuốc lá, là mức đủ lớn để tác động giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
“So sánh tác động của 2 phương án, phương án 2 có ưu điểm hơn, sẽ giảm được tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vào năm 2026 xuống còn 39,7%, trong khi nếu áp dụng phương án 1, tỷ lệ giảm chỉ xuống khoảng 42%...” - bà Trần Thị Tuyết nhấn mạnh.
Đồ uống có đường thuộc mặt hàng chịu thuế
Điểm đáng chú ý của lần sửa đổi Luật thuế TTĐB lần này được dư luận quan tâm là đề xuất đưa đồ uống có đường vào diện chịu thuế. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Trần Thị Tuyết cho hay, liên quan mặt hàng có hại cho sức khỏe, trước tiên, dự thảo luật đề xuất đánh thuế với mặt hàng đồ uống có đường.
Với vai trò cơ quan soạn thảo, bên cạnh những nghiên cứu khuyến nghị của các tổ chức bảo vệ sức khỏe, Bộ Tài chính cũng nghiên cứu từ nhiều ý kiến của các bên liên quan đến việc áp thuế với đồ uống có đường. Hiện nay, trên thế giới đã có 107 quốc gia đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng đồ uống có đường. Đặc biệt hầu như các nước trong khu vực như: Lào, Thái Lan, Campuchia, Philippines đã đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng này. Trong xu thế chung, dự thảo luật lần này đề xuất bổ sung mặt hàng đồ uống có đường vào diện đánh thuế đối với sản phẩm có hàm lượng đường trên 5gr với mức thuế suất 10%. Do đây là mặt hàng mới đưa vào diện đánh thuế TTĐB, nên dự thảo luật đề xuất mức thuế suất hợp lý để tác động dần đến hành vi của người tiêu dùng với thuế suất 10%.
Bà Trần Thị Tuyết cho biết thêm, theo quan điểm của các chuyên gia y tế thì thuế là giải pháp quan trọng để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, giảm thiểu tác hại của đồ uống có đường. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cũng cho rằng, cần có nhiều giải pháp bổ trợ như tuyên truyền, hạn chế quảng cáo là trách nhiệm từ phía các bộ, ngành chức năng. Bộ Tài chính thông qua chính sách thuế sẽ đóng góp phần vào công cuộc hạn chế tác hại của đồ uống có đường.
ÔNG TRẦN VĂN TUẤN – PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BẮC GIANG: Tăng thuế đủ mạnh để hạn chế sử dụng thuốc lá, lạm dụng đồ uống có đường
Theo Nghị quyết 129/2024/QH15, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Chúng tôi đã và đang cập nhật thông tin liên quan, bằng chứng khá thuyết phục về tác hại của thuốc lá và đồ uống có đường. Thực tế cho thấy, tình trạng lạm dụng các sản phẩm này, đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân Việt Nam, làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng chi phí khám chữa bệnh. Tôi cho rằng, chính sách kiềm chế tác hại thuốc lá tại Việt Nam đang áp dụng còn hạn chế, chưa thực sự mạnh mẽ. Tôi đồng tình với việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB tăng mức thuế đối với thuốc lá và đưa đồ uống có đường vào diện chịu thuế. Hiện nay, tăng thuế theo hướng nào thì ban soạn thảo đang tiếp tục nghiên cứu, làm sao có phương án tăng thuế đủ mạnh để hạn chế sử dụng thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn và đồ uống có đường. Theo tôi, việc lựa chọn phương án cần tính đến sự hài hòa, tác động đến doanh nghiệp, làm sao không tạo ra áp lực quá lớn thông qua việc đánh giá tác động toàn diện, kỹ lưỡng, đưa ra chính sách phù hợp, có thể đưa ra chính sách tăng thuế, đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, điển hình như giảm thuế GTGT 2% như trong thời gian qua. BÀ LÒ THỊ LUYẾN – PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH ĐIỆN BIÊN: Áp thuế đối với đồ uống có đường là cần thiết Tôi cũng như nhiều người dân rất quan tâm đến việc ăn gì, uống gì để đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe, trong đó có đồ ăn và đồ uống có đường. Thông qua hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và vai trò của chính sách thuế với sức khỏe do Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế tổ chức, chúng tôi đã có thêm nhiều thông tin, bằng chứng khoa học để có thể đưa ra ý kiến, bàn luận trên nghị trường Quốc hội. Chúng tôi ghi nhận những thông tin liên quan đến truyền thông chính sách, kinh nghiệm quốc tế về giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường thông qua việc áp thuế. Hiện nay trên thị trường, những sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, đồ uống có đường được bán khá rẻ. Do đó, tôi ủng hộ việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, Bộ Tài chính đã đề xuất đưa đồ uống có đường vào diện chịu thuế tại dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi). BÁC SỸ NGUYỄN TUẤN LÂM – CHUYÊN GIA TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI TẠI VIỆT NAM: Áp mức thuế tuyệt đối đủ lớn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá Theo kinh nghiệm quốc tế, để hạn chế tác động có hại của thuốc lá đối với sức khỏe, cần hạn chế tiêu dùng bằng việc tăng thuế suất đủ mạnh. Hiện nay, mức thuế suất thuốc lá hiện nay là 75% được áp dụng từ năm 2019. Trong khi đó, lạm phát trung bình là 4% và thu nhập tăng trung bình là 5%. Vì vậy việc tăng thuế có tác động, nhưng rất ít tới tiêu dùng trong những năm qua. Chi phí/chi trả trung bình cho một bao thuốc hầu như không thay đổi sau 10 năm. Giá/thuế tăng hầu như không đáng kể trong giai đoạn từ 2010-2020 (mặc dù có các lần tăng thuế 2016, 2019). Bên cạnh đó, thị trường sản phẩm quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, khiến người mua có thể dễ dàng lựa chọn thay thế để giữ nguyên mức chi. Vì vậy, số thu thuế từ thuốc lá tại Việt Nam thấp, tăng danh nghĩa chủ yếu do lạm phát. Kinh nghiệm từ Thái Lan, Philippines cho thấy, tăng thuế thuốc lá qua nhiều năm đã giảm tiêu dùng, tăng thu ngân sách. Chính vì vậy, chúng tôi cũng ủng hộ việc tăng mạnh thuế suất, áp dụng thuế tuyệt đối và thuế suất 75% với sản phẩm thuốc lá để tác động giảm tỷ lệ sử dụng. Song Linh (t/h) |