Điều kiện gì để thực hiện mục tiêu đưa giáo dục đại học Việt Nam vào top 10 châu Á ?07/01/2025 - 10:01:00 Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, trên thế giới hiện chỉ có các bảng xếp hạng trường đại học, chưa có thang đo nào đánh giá được thứ hạng của toàn bộ hệ thống giáo dục đại học các nước. Trên thực tế, việc đánh giá thứ hạng của cả nền giáo dục đại học cũng là điều không đơn giản.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đối với lĩnh vực giáo dục đại học, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 5 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Xếp hạng đại học cũng có mặt nguy hiểm Nhìn nhận về mục tiêu đưa Việt Nam “nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á”, Tiến sĩ Lê Đông Phương, chuyên gia giáo dục đại học đánh giá, trước hết, Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu như trên nhằm nâng cao vị thế của nền giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, trên thế giới chỉ có các bảng xếp hạng trường đại học tốt nhất, chưa có thang đo nào đánh giá được thứ hạng của toàn bộ hệ thống giáo dục đại học các nước. Trên thực tế, việc đánh giá thứ hạng của cả nền giáo dục đại học cũng là điều không đơn giản. “Từ quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc chạy đua với xếp hạng cũng có mặt nguy hiểm, sẽ dẫn đến câu chuyện phải cố tìm cách chứng minh ở một khía cạnh nào đó chúng ta hơn nơi nọ, nơi kia. Nhưng điều này không mang lại gì nhiều cho xã hội hay cho sinh viên, giảng viên. Do đó, bản thân tôi không đánh giá cao vấn đề xếp hạng. Thậm chí ở các nước phát triển như châu Âu, khá nhiều nước cũng từ chối không dùng xếp hạng”, Tiến sĩ Lê Đông Phương nói. Cần mở rộng để nhiều người được đi học đại học hơn Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, thay vì tập trung nhiều vào vấn đề thứ hạng, một trong những vấn đề quan trọng nhất cần thực hiện là mở rộng cơ hội giáo dục đại học, để nhiều người được đi học đại học hơn. Khi đó, chúng ta sẽ có được nhiều người giỏi, người tài, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cần chú trọng vào mục tiêu tăng tỷ lệ dân cư trong độ tuổi được đi học đại học. Để đạt được mục tiêu này, cần “mở cửa” giáo dục trung học phổ thông, loại bỏ khái niệm “phân luồng” ở cấp trung học, phấn đấu phổ cập giáo dục được tới lớp 12. “Hiện nay, mỗi năm, cả nước có khoảng trên 1 triệu học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT, trong đó khoảng 550.000 em nhập học đại học. Rất nhiều em dù đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không vào đại học. Muốn mở rộng nền giáo dục đại học thì phải mở cửa “nguồn vào”, tức là mở rộng ngay từ khi tuyển sinh lớp 10, lúc đó mới có thể tạo điều kiện để phát triển giáo dục đại học. Cần có các chính sách đầu tư, tạo điều kiện cho các em được đi học ngay từ trung học phổ thông, từ đó tạo nguồn vào cho giáo dục đại học”, Tiến sĩ Lê Đông Phương nêu quan điểm. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc cần tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học. Tăng cường việc chi ngân sách nhà nước cho giáo dục Tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Bộ GD-ĐT tổ chức cuối năm 2023, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước, theo yêu cầu của Nghị quyết 29. Nhìn vào bảng tỷ lệ % chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo có thể thấy, mức chi cao nhất là 19,1% của năm 2019. Các năm còn lại dao động từ 15,7% đến hơn 18%. Tiến sĩ Lê Đông Phương nhìn nhận, để phát triển giáo dục đại học, điều rất quan trọng là phải đảm bảo tăng cường việc chi ngân sách nhà nước cho giáo dục nói chung. Trong đó, nên tăng ngân sách để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc những người điều kiện tài chính chưa khá giả, giúp họ đủ điều kiện theo học đại học. “Có rất nhiều thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không vào đại học vì không đủ điều kiện tài chính. Hiện nay, chúng ta đẩy mạnh tự chủ đại học gắn với tự chủ tài chính. Các cơ sở giáo dục đại học không được cấp ngân sách, phải tăng học phí để bù đắp chi phí trong khi thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính hiệu quả cho người học dẫn tới thu hẹp cơ hội học đại học chất lượng cao đối với những nhóm đối tượng yếu thế. Do đó, chúng ta phải đầu tư thêm cho giáo dục đại học thông qua hỗ trợ cho sinh viên để có nhiều người vào học và có nhiều người đủ điều kiện học hết đại học”, Tiến sĩ Lê Đông Phương nêu quan điểm.
Theo Đại Biểu Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|