Định danh thương mại điện tử để chống gian lận05/12/2024 - 08:47:00 Thương mại điện tử Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2024 đạt quy mô gần 230.000 tỷ đồng, tăng 38%. Nước ta có thị trường trực tuyến tăng trưởng hàng đầu khu vực và thế giới.
Đây là những chỉ số ấn tượng cho thấy, Việt Nam có thị trường trực tuyến tăng trưởng hàng đầu khu vực và thế giới. Mặc dù vậy, bất cứ sự bùng nổ nào cũng sẽ đi cùng với các mặt trái; mạo danh, lừa đảo, gian lận là những vấn đề đã và đang xảy ra. Vì thế, quy định mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia thương mại điện tử phải được định danh điện tử tại Công điện 119 của Thủ tướng Chính phủ được kỳ vọng sẽ khắc phục các vấn đề này. Theo số liệu từ Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương, chỉ tính 9 tháng đầu năm nay cơ quan này đã xử lý hơn 2.014 vụ vi phạm, gian lận với tổng giá trị hàng hóa vi phạm là gần 30 tỷ đồng. Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, tỷ lệ khiếu nại liên quan tới thương mại điện tử chiếm tới 9,4% cao gần gấp đôi so với năm 2023. Một tỷ lệ rất cao những có lẽ sẽ chưa đầy đủ khi mà nhiều giao dịch thương mại điện tử có giá trị nhỏ và khi gặp sự cố, nhiều người đã chọn bỏ qua mà không khiếu nại. Cũng có nhiều người nghĩ rằng, sẽ thật khó để tìm được kẻ lừa đảo nên khi gặp tình huống đành ngậm ngùi chấp nhận. Cảnh giác chiêu trò mạo danh để lừa đảo trong mua sắm trực tuyến Thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử sẽ hạn chế được các vụ việc lừa đảo trực tuyến trong thời gian tới. Là người thường xuyên mua sắm trực tuyến, những cuộc điện thoại của người giao hàng hay còn gọi shipper đã không còn xa lạ với bạn trẻ này. Nên khi nhận được một cuộc gọi từ số lạ xưng là shipper, nói chính xác thông tin đơn hàng, lại còn báo sẽ gửi hàng tại quán nước đối diện công ty - nơi bạn thường xuyên nhờ nhận đồ hộ, bạn trẻ này đã tin tưởng và chuyển khoản 500.000đ cho người này để thanh toán. Nhưng 30 phút sau, bạn lại nhận được cuộc gọi từ shipper quen để giao hàng. Lúc này, nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn. "Đối tượng lừa đảo đấy nói cho mình rất chính xác tất cả những thông tin bao gồm từ loại sản phẩm mình đặt hàng, mã đơn hàng và kể cả là số tiền chính xác đến từng số lẻ. Cho nên tại thời điểm mà mình chuyển khoản mình sẽ không có một chút cảnh giác nào cả", nạn nhân cho biết. Tinh vi hơn, những kẻ lừa đảo còn kịp "thay áo mới" giăng bẫy nạn nhân bằng một kịch bản khó lường hơn. Chúng tự xưng là shipper, yêu cầu nạn nhân chuyển khoản ngay phí ship chỉ vỏn vẹn 30.000đ - 40.000đ. Chưa hết, nhiều đối tượng thậm chí còn sẵn sàng mạo danh những người nổi tiếng, tạo kênh, chạy quảng cáo để tiếp tục chuỗi hành vi lừa đảo, gian lận. "Đặc biệt trong những ngày sale thì các đối tượng này sử dụng hình ảnh, cũng như thương hiệu để chạy quảng cáo trên những Fanpage Facebook mới lập khiến ảnh hưởng rất nhiều tới danh dự, hình ảnh của Schannel cũng như là các cá nhân", ông Nguyễn Lạc Huy, Quản lý hệ thống kênh Schannel, phụ trách truyền thông CellphoneS cho hay. Tự đặt tên mình là CellphoneS, Digibox, một doanh nghiệp bất kỳ. Rồi có thể mang một chiếc mặt nạ ẩn danh. Nhiều người nghĩ rằng không gian mạng là nơi họ có thể thoải mái với bất cứ chiêu trò gì mà họ muốn để thu lợi. Theo Công điện 119, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn thương mại điện tử. Đảm bảo rằng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều được xác thực danh tính khi tham gia cung cấp, trao đổi hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, tránh thất thu thuế và các hành vi gian lận. Những kẻ ẩn danh này sẽ phải bước ra ánh sáng. Theo VTC NEWS
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|