Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu than khó15/02/2023 - 17:11:00 Hơn 300 doanh nghiệp bán lẻ đã tham dự hội thảo Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/CP và 83/CP về kinh doanh xăng dầu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/2.
Doanh nghiệp bán lẻ báo lỗ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng, dầu được tập trung vào một số điểm: công thức giá và phương thức điều hành xăng dầu; thời gian điều hành/công bố giá; mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu; quyền lấy nhiều nguồn của các đại lý bán lẻ xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối và tổng đại lý; quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối; đầu mối quản lý nhà nước về xăng dầu; quỹ bình ổn xăng dầu. Ông Hà Thanh Tùng - Công ty TNHH thương mại vận tải xăng dầu Hà Giang nói, kinh doanh thì có lúc này lúc khác, nhưng cả năm nay lỗ rồi. Cũng là thương nhân kinh doanh xăng dầu nhưng có thương nhân đầu mối sau khi được điều chỉnh thì quý IV/2022 đã có lãi đến cả ngàn tỷ. Trong khi thương nhân bán lẻ do không có gì hỗ trợ đã lỗ cả ngàn tỷ, thậm chí đứng trước nguy cơ xin rút giấy phép do không thể tiếp tục kinh doanh. Nếu tình hình thua lỗ tiếp tục kéo dài, sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN) có hạn, trường hợp 9.000 DN bán lẻ xin dừng hoạt động thì chuỗi cung ứng có thể bị đứt gãy, có thể tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Ông Tùng phản ánh, thời gian qua dù chịu mức chiết khấu bằng 0, thậm chí là chiết khấu âm nhưng DN bán lẻ vẫn phải duy trì kinh doanh. DN bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nơi sau khi ký hợp đồng có thể bị chèn ép bởi nhà phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Do đó DN bán lẻ bị kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu. Còn DN phân phối vừa nhập hàng để bán buôn, vừa có các cửa hàng bán lẻ để cạnh tranh với DN bán lẻ. Qua đó được hưởng nhiều lợi ích như: Lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức, chủ động được nguồn hàng, không bị xử phạt khi dừng bán hàng… Ông Tùng mong muốn Nghị định sửa đổi tới đây công nhận sự tồn tại của các DN bán lẻ xăng dầu, từ việc công nhận vị trí đến sở hữu tài sản. Ông mong muốn các DN bán lẻ có chiết khấu hợp lý, chi phí, định mức lợi nhuận hợp lý trong bối cảnh nhà nước vẫn đang kiểm soát giá. Chi phi kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ có thể từ 3-3,5% nhân với giá bán lẻ bán ra. Điều này tạo ra sự hài hoà lợi ích. Ngoài ra, lợi nhuận định mức có thể từ 2-2,5%. Còn ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dầu khí Đồng Nai thẳng thắn nói, bán lẻ xăng dầu lạ nhất là khi lỗ cũng phải bán. Bán hàng nhưng không được ra giá bán mà người khác quy định giá. Một thị trường có những biến động liên tục thì cần phải điều chỉnh. Đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, minh bạch Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng chi phí lưu thông trong công thức tính giá cơ sở cần phải được chia rõ phần chi phí và lợi ích ở cả 3 khâu, gồm DN đầu mối - thương nhân phân phối - DN bán lẻ. Hiện nay chi phí lưu thông chung là 1.350 đồng/lít xăng, gồm có lợi nhuận định mức là 300 đồng và 1.050 đồng chi phí lưu thông/lít xăng. Ông Tây cho rằng, chỉ cần phân chia trong công thức giá cơ sở đã xây dựng ra thành 3 phần ở các khâu theo tỉ lệ phù hợp với sự đóng góp trong cả hệ thống. "Vì Nghị định không ghi rõ tỉ lệ nên DN đầu mối lại dùng để bù vào lỗ của chu kỳ trước" - ông Tây nói và đề nghị phân chia rõ tỉ lệ ở các khâu về chi phí lưu thông định mức và riêng khâu bán lẻ là cộng thêm 5%/giá bán thời điểm - tương đương với 1.180 đồng/lít theo giá hiện nay. Phó Tổng thư ký kiêm trưởng Ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn khẳng định, xăng dầu là mặt hàng quan trọng đặc biệt của quốc gia. Điều hành giá xăng dầu là khó khăn. Giá cao có lợi cho DN nhưng lại ảnh hưởng tới người tiêu dùng, DN và nền kinh tế. Ngược lại nếu giá sát với chi phí, thấp hơn sẽ gây ảnh hưởng và thiếu hụt cho hoạt động kinh doanh. Nhấn mạnh quan điểm nhất quán trong sửa đổi dự thảo phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và minh bạch, ông Tuấn cho rằng việc áp dụng mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế. Đơn cử như, vừa qua cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm tình trạng cây xăng đóng cửa chỉ là giải pháp tình thế. “Thể chế cần phải tạo động lực cho DN muốn bán hàng, muốn cạnh tranh lành mạnh. Do đó, việc xây dựng nghị định cần đáp ứng nhu cầu và mong muốn của DN” - ông Tuấn nói. Doanh nghiệp đầu mối: Không đủ nguồn lực để chia sẻ Ông Nguyễn Hồng Nam - Trưởng ban kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng bày tỏ sự chia sẻ, đồng cảm với các DN bán lẻ, thương nhân phân phối về việc kinh doanh lỗ. Nhưng ông nói, cả Petrolimex cũng bị lỗ nên “không đủ nguồn lực chia sẻ lại với các anh chị” (DN bán lẻ - PV). Còn ông Phạm Văn Thoại - SaigonPetro, cũng cho rằng ngoài trách nhiệm với các đại lý thì còn trách nhiệm với nhà nước. Ông Thoại cho rằng ngay cả việc chênh lệch tỉ giá VNĐ và USD cũng làm cho các đầu mối mệt mỏi. Cho rằng ý kiến của các DN bán lẻ là hợp lý nhưng ông Thoại cũng nói thêm: “Các anh chị (DN bán lẻ - PV) cũng phải hiểu cho chúng tôi”. Ở góc độ thương nhân phân phối, ông Hoàng Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho rằng Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi đã giúp hoạt động kinh doanh xăng dầu tương đối ổn định. “Tuy nhiên, vì biến động dị biệt của giá xăng dầu trong thời qua nên chúng ta cần sửa đổi 2 Nghị định này” - ông Dũng nói. Trong khi đó, về phía đơn vị soạn thảo là Bộ Công thương, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh trong điều hành giá xăng dầu, cơ quan điều hành luôn phải đảm bảo mục tiêu đáp ứng được nguồn cung xăng dầu, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu phải góp phần kiểm soát CPI. "Câu chuyện quản lý luôn đặt ra bài toán cạnh tranh và thị trường" - ông Đông nói. Đại diện ban soạn thảo cũng cho biết, quá trình sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về xăng dầu trước đây đã trải qua rất nhiều hội nghị với các vấn đề liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, quyền của DN đầu mối, thương nhân phân phối, các nhà máy lọc dầu, cách thức điều hành… Đây cũng là cơ hội nhìn lại cách thức, tư duy điều hành về xăng dầu cũng như các công cụ sử dụng, nhà nước can thiệp đến đâu, cũng là dịp để nhìn lại các quy luật tất yếu của thị trường. Cùng đó phải để cộng đồng DN phát triển. Khi đó mới có thêm nguồn thu cho ngân sách, nền kinh tế. Theo đại diện Bộ Công thương, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 85, mỗi phương án lựa chọn có ưu, nhược điểm, có thể phù hợp thời điểm này nhưng không phù hợp thời điểm khác. Quan điểm xây dựng chính sách phải dài hơi, tôn trọng quy luật khách quan, không chạy theo vấn đề cục bộ, hiện tượng, cá biệt. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|